Tin mới nhất
Home / Tài chính-Ngân hàng / Tin tài chính trong nước / Chứng khoán phái sinh trước giờ G (5): Cẩn trọng với “con dao hai lưỡi”

Chứng khoán phái sinh trước giờ G (5): Cẩn trọng với “con dao hai lưỡi”

Tài sản ký quỹ là điều tối quan trọng trong việc mở và duy trì vị thế khi giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số.
Trong các ví dụ trước, tài sản ký quỹ được lấy đơn giản nhất là bằng tiền mặt. Tuy nhiên theo quy định, tài sản ký quỹ đa dạng hơn, có thể là cổ phiếu niêm yết, trái phiếu chính phủ, tín phiếu kho bạc…
Trong quá trình nắm giữ vị thế, nhà đầu tư có thể phải bổ sung tài sản ký quỹ để nâng giá trị của tài khoản ký quỹ lên đạt yêu cầu. Nhà đầu tư không nhất thiết phải nộp tiền mặt mà có thể thay thế bằng các tài sản khác được chấp nhận.
Đây là điều cần đặc biệt chú ý vì yếu tố đòn bẩy cao có thể khiến nhà đầu tư giao dịch với quy mô quá lớn, vượt quá khả năng xử ký tài sản ký quỹ, như một “con dao hai lưỡi”.

Khuếch đại cả lãi lẫn lỗ
Một trong những lợi thế lớn nhất của sản phẩm phái sinh nói chung và hợp đồng tương lai chỉ số nói riêng là khả năng sử dụng đòn bẩy rất lớn. Như ở phần trước, một hợp đồng chỉ số VN30-Index có giá trị hàng trăm triệu đồng nhưng nhà đầu tư chỉ cần có vài chục triệu đồng là giao dịch được.
Yếu tố đòn bẩy cao khuếch đại cả lợi nhuận lẫn mức thua lỗ, điều này đã được nhắc đến rất nhiều và tạo ra rủi ro cao ngay cả trên thị trường cổ phiếu. Tuy nhiên với công cụ phái sinh, rủi ro còn cao hơn nhiều vì các vị thế giao dịch được định giá hàng ngày (mark to market) và thanh toán hàng ngày.
Đối với một giao dịch cổ phiếu, nhà đầu tư không may có thể bị lỗ, thậm chí lỗ nặng nhưng vẫn có thể nắm giữ ngày này qua tháng khác để chờ đợi giá phục hồi về mức hòa vốn, thậm chí là có lãi ngược lại. Nhà đầu tư vẫn có thể ngủ ngon với mức lỗ 20-30% nếu như tin tưởng vào triển vọng của doanh nghiệp hay trông đợi những yếu tố cơ bản hỗ trợ.
Đối với giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số, diễn biến giá thuần túy dựa vào kỳ vọng và biến động ngắn hạn. Thị trường vẫn có thể suy giảm kể cả khi có những yếu tố cơ bản tích cực. Lối suy nghĩ rằng “tăng trưởng GDP tốt như vậy thì thị trường phải tăng” không phải lúc nào cũng phù hợp với biến động giá của hợp đồng tương lai chỉ số trong tháng hiện tại hoặc tháng kế tiếp.
Do đó việc nắm giữ dài có nguy cơ cực lớn, vì nếu mức lỗ vẫn tiếp diễn, nhà đầu tư sẽ phải bù lỗ ngay T+1 và rủi ro call margin làm cháy tài khoản, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các tài sản ký quỹ khác như cổ phiếu đầu tư. Trong khi nền tảng kinh tế cơ bản tích cực chỉ có thể phản ánh vào thị trường trong quý tới, thì tài khoản hôm nay đã cháy khét!
Lối đánh “tất tay” trên thị trường cổ phiếu rất không phù hợp với giao dịch Index Futures, vì nhà đầu tư luôn cần khoản tài chính dự phòng trường hợp giá giảm, dù chỉ một ngày để thỏa mãn yêu cầu ký quỹ duy trì giao dịch.
Không có gì đảm bảo giá hợp đồng tương lai chỉ số sẽ tăng liên tục mà không giảm và chỉ cần một ngày không đủ đảm bảo ký quỹ, các vị thế sẽ bị đóng cưỡng bức, cộng với các khoản thiệt hại khác trong trường hợp phải sử dụng tài sản đảm bảo để bù lỗ.
Mặt khác, rủi ro thanh khoản trên thị trường phái sinh là rất cao vì không phải lúc nào thị trường này cũng có thanh khoản. Nếu thị trường cơ sở rất xấu hoặc xảy ra khủng hoảng, thị trường cơ sở mất hết kỳ vọng và sự sợ hãi bao trùm thì có khả năng thị trường hợp đồng tương lai chỉ có một bên Short.
Mặc dù theo quy định, nhà đầu tư có thể đóng vị thế bằng một giao dịch ngược chiều bất kỳ lúc nào, nhưng lệnh Long/Short đó phải có lệnh đối ứng thì mới khớp được. Do đó yếu tố thanh khoản cao hay thấp tại một thời điểm cũng ảnh hưởng rất lớn đến mức lời/lỗ. Thậm chí nếu không có lệnh đối ứng để đóng vị thế, nhà đầu tư phải nắm giữ hợp đồng đến ngày đáo hạn.
Điều cần lưu ý là ngay cả khi giá hợp đồng tương lai liên tục thay đổi bất lợi, thậm chí khi thị trường hoảng loạn đến mức không có bất kỳ lệnh mua nào và nhà đầu tư không thể đóng được vị thế thì vẫn phải thanh toán các thiệt hại nếu như tài sản ký quỹ không đủ để chi trả sau khi đã bán tài sản ký quỹ đi. Nói cách khác, nhà đầu tư không đơn giản là bỏ của chạy lấy người như trên thị trường cổ phiếu.
Cổ phiếu VN30 mặc nhiên là tài sản ký quỹ
Theo dự thảo về quy chế ký quỹ, thanh toán bù trừ trên thị trường phái sinh, VSD sẽ quy định danh mục cổ phiếu được sử dụng làm tài sản ký quỹ trong từng thời kỳ và danh mục này sẽ thay đổi theo các tiêu chí riêng.
Tuy nhiên một tiêu chí cứng là trong tổng tài sản ký quỹ, lượng tiền mặt luôn phải duy trì ở mức 80%. Nói cách khác, chỉ có 20% giá trị tài sản ký quỹ là có thể được thay thế bằng các tài sản khác, trong đó có cổ phiếu, chứng chỉ quỹ (ngoài trừ chứng chỉ quỹ ETF).
Đối với tài sản là cổ phiếu niêm yết, giá dùng để tính giá trị tương đương tiền sẽ là giá đóng cửa tại ngày tính trừ đi tỷ lệ chiết khấu. Như vậy giá trị của khối lượng cổ phiếu sẽ nhỏ hơn giá trị thực tế theo giá thị trường.
Đối với các cổ phiếu nằm trong rổ VN30, tỷ lệ chiết khấu là 30% và đối với các cổ phiếu khác là 40%. Ngay cả tỷ lệ chiết khấu này cũng có thể được thay đổi nếu VSD thấy cần thiết.
Do hợp đồng tương lại chỉ số dựa trên chỉ số VN30-Index nên mặc nhiên tất cả các cổ phiếu trong rổ VN30 sẽ được phép sử dụng làm tài sản ký quỹ. Đối với các cổ phiếu khác, tiêu chí thanh khoản được đặt lên hàng đầu.
Quá trình xét duyệt cổ phiếu (ngoài rổ VN30) có đạt tiêu chuẩn ký quỹ hay không được tiến hành theo 3 bước:
Bước 1: Chọn 250 cổ phiếu (150 mã niêm yết ở HSX và 100 mã niêm yết ở HNX bao gồm cả các mã chứng khoán trong rổ chỉ số HNX30, VN30) có giá trị giao dịch bình quân phiên lớn nhất trong 12 tháng gần nhất của kỳ đánh giá.
Bước 2: Sắp xếp tổng khối lượng giao dịch mỗi phiên của các mã đã lựa chọn ở bước 1 trong từng tháng theo thứ tự từ cao đến thấp, chọn khối lượng giao dịch ở giữa làm khối lượng trung vị (trong trường hợp có 2 ngày ở giữa thì sẽ lấy khối lượng giao dịch trung bình của 2 ngày này làm khối lượng trung vị).
Bước 3: Thực hiện tính tỷ lệ khối lượng trung vị (R) của mỗi tháng so với khối lượng chứng khoán lưu hành của ngày cuối tháng. Khối lượng chứng khoán lưu hành của ngày cuối tháng xác định theo nguyên tắc: Bằng tổng khối lượng chứng khoán đăng ký, lưu ký trừ đi khối lượng chứng khoán hạn chế chuyển nhượng (số liệu theo dõi trên hệ thống của VSD).
Bước 4: VSD xác định và công bố tỷ lệ R của từng kỳ đánh giá nhưng tối thiểu là 0,02%. Các cổ phiếu có 6/12 tháng có tỷ lệ R< tỷ lệ R do VSD công bố sẽ không thuộc danh mục tài sản ký quỹ. Đối với các mã chứng khoán đã nằm trong danh mục tài sản ký quỹ kỳ công bố trước, có 8/12 tháng có tỷ lệ R< tỷ lệ R do VSD công bố sẽ không thuộc danh mục tài sản ký quỹ của kỳ công bố tiếp theo.
Danh mục cổ phiếu/chứng chỉ quỹ được sử dụng làm tài sản ký quỹ sẽ công bố 6 tháng một lần và không thay đổi trong kỳ.
Như vậy số dư trên tài khoản ký quỹ của nhà đầu tư có thể thay đổi hàng ngày nếu như giá thị trường của cổ phiếu được sử dụng làm tài sản ký quỹ tăng hay giảm. Điều cần lưu ý là việc giá cổ phiếu giảm sẽ làm hụt đi giá trị ký quỹ tổng, nhưng nếu giá cổ phiếu tăng nhiều cũng có thể làm mất tỷ lệ 80/20 (tiền mặt phải chiếm 80%). Quyền lợi của nhà đầu tư đối với cổ phiếu ký quỹ vẫn được đảm bảo.
Theo Nguyễn Hoàng, Vneconomy.vn

About vgta

Check Also

UBGSTCQG: Tính đến hết tháng 8/2017, tín dụng ước tăng 11,5%

Tín dụng tháng 8 tiếp tục tăng trưởng tích cực. Ước tính đến hết tháng ...

Dồn dập bơm tiền bốn tháng cuối năm?

Ngày 30/8, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, một lần nữa những ...

Mở lối cho xử lý nợ xấu

Với những quy định mới, hoạt động thu hồi nợ sẽ diễn ra mạnh hơn, ...

Trả lời