Giá vàng đã giảm hơn 20 USD/oz trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu vừa rồi, xuống dưới mức quan trọng 2.000 USD/oz, nhưng các nhà phân tích cho rằng có đủ lực mua để đẩy giá tăng trở lại. Nhân tố có thể đưa giá vàng bứt phá lên đỉnh cao mới là khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể dừng tăng lãi suất sau cuộc họp tháng 5.
Ảnh minh hoạ – Ảnh: Bloomberg.
Việc tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cùng tăng đã gây thiệt hại cho vàng vào ngày thứ Sáu. Lúc đóng cửa tại thị trường Mỹ, giá vàng giao ngay giảm 21,4 USD/oz, tương đương giảm gần 1,1%, còn 1.984,9 USD/oz.
Thời gian “im lặng” của Fed bắt đầu vào thứ Bảy tuần này. Theo thông lệ, đây là khoảng thời gian mà các quan chức Fed sẽ không phát biểu công khai trước khi diễn ra một cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ. Cuộc họp tới của Fed sẽ diễn ra vào ngày 2-3/5. Theo dữ liệu từ công cụ CME FedWatch Tool, các thị trường hiện đang định giá khả năng 88% Fed tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong lần họp này.
“Thị trường đang dự kiến Fed sẽ tăng lãi suất thêm 1/4 điểm phần trăm vào tháng tới. Và có rất nhiều điều không chắc chắn khi vàng ở trên hoặc dưới 2.000 USD/oz. Tôi vẫn lạc quan ở các mức này. Sẽ đến thời điểm mà Fed phải tạm dừng tăng lãi suất và xoay trục chính sách tiền tệ. Điều đó sẽ hỗ trợ vàng, và vàng sẽ lập mức cao nhất mọi thời đại tại một thời điểm nào đó trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm”, lược gia thị trường cao cấp của RJO Futures, ông Frank Cholly, nói với Kitco News.
Tuần tới, thị trường sẽ tập trung vào các dữ liệu vĩ mô của Mỹ mới, bao gồm GDP quý 1 và chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) – một thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng.
Nhà phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank cho biết: “Dữ liệu kinh tế sắp tới của Mỹ, đặc biệt là dữ liệu GDP và chỉ số PCE có thể gây ra một số biến động về giá vàng”.
Vào ngày thứ Sáu vừa rồi, thị trường đã nghiền ngẫm dữ liệu tốt hơn dự báo về lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của Mỹ, và những số liệu này đã ảnh hưởng bất lợi đến vàng. Chỉ số S&P Global Flash PMI của ngành sản xuất Mỹ đã tăng lên 50,4 vào tháng 4 từ mức 49,2 của tháng 3. Đây là tháng đầu tiên PMI sản xuất Mỹ vượt ngưỡng 50 điểm – ngưỡng điểm ngăn cách giữa hai trạng thái suy giảm và tăng trưởng.
“Thị trường vốn dĩ đang tìm kiếm một sự suy giảm. Ngoài ra, mọi người nghĩ rằng đồng USD Mỹ sẽ mất giá và họ đặt lệnh bán USD. Nhưng với dữ liệu kinh tế tăng cao hơn, chúng ta có thể thấy một số mua vào để đóng trạng thái bán khống USD trong ngắn hạn”, người đứng đầu chiến lược hàng hóa toàn cầu của TD Securities, ông Bart Melek, giải thích về phục hồi của đồng USD trong tuần này – nguyên nhân quan trọng khiến vàng mất giá.
Tính cả tuần, giá vàng thế giới giảm 1,2%, trong khi chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD tăng gần 0,2%.
Mối lo về chính sách thắt chặt kéo dài của Fed đến từ những phát biểu cứng rắn của một số quan chức Fed trong tuần này. Họ đều có quan điểm cho rằng lạm phát ở Mỹ đều đang quá cao so với mực tiêu 2% mà Fed đề ra. Thống đốc Fed Michelle Bowman hôm thứ Năm nói Fed còn nhiều việc phải làm để kiểm soát lạm phát.
“Fed nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì lập trường cứng rắn. Fed đang trên đà thực hiện một đợt tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm khác và không loại trừ khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào tháng 6”, ông Melek nói thêm.
Ngưỡng hỗ trợ tốt cho giá vàng là khoảng 1.962 USD, nhưng mốc này cũng có khả năng bị phá vỡ – ông Melek lưu ý, đồng thời cho biết thêm rằng việc vàng có giữ được mức này hay không sẽ phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế và diễn biến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. “Về mặt kỹ thuật, chúng tôi nhận thấy mức hỗ trợ đáng kể ở mức trên 1.960 USD/oz. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy xu hướng của giá vàng là tăng lên ngưỡng 2.100 USD/oz vào cuối quý 2 năm 2023,” ông nói.
Ông Cholly cho rằng ngưỡng 1.975-1.980 USD/oz có khả năng được giữ vào tuần tới. Ông nói thêm rằng “thị trường có xu hướng biến động quá mức theo cả hai hướng. Mức 1.975 USD/oz sẽ là mức hỗ trợ tương đối tốt. Tôi không thấy giá vàng có thể xuống dưới 1.965 USD/oz”. Ở chiều tăng, rào cản đầu tiên sẽ là 2.025/oz và sau đó là 2.050-2.060 USD/oz.
Chuyên gia kinh tế Mỹ Andrew Hunter của Capital Economics cho biết, đợt tăng lãi suất tháng 5 có vẻ như là đợt tăng lãi suất cuối cùng của Fed. “Chúng tôi ngày càng tin tưởng rằng đợt tăng lãi suất tháng 5 sẽ là lần cuối cùng của chu kỳ này… Và kỳ vọng của chúng tôi là lãi suất sẽ được cắt giảm vào cuối năm nay. Điều đó dựa trên quan điểm lâu dài của chúng tôi rằng nền kinh tế đang hướng tới suy thoái và lạm phát rốt cục sẽ giảm nhanh”.
Triển vọng tăng giá dài hạn của vàng vẫn còn nguyên vẹn, và ngay khi thị trường ổn định khi Fed tạm dừng tăng lãi suất, giá vàng sẽ bùng nổ – ông Melek nhấn mạnh.
“Ở thời điểm này, Fed dướng như đã tăng lãi suất quá mức, có thể khiến nền kinh tế sụt tốc nhanh chóng. Đối với vàng, điều quan trọng là một sự xoay trục có thể sắp diễn ra và có một vấn đề quan trọng là Fed sẽ không nghiêm túc tuân thủ mục tiêu lạm phát 2%”, ông Melek nói.
Ông Melek giải thích, điều đó có nghĩa là Fed có thể sẽ bỏ qua việc lạm phát dai dẳng trên mức mục tiêu và tiếp tục nới lỏng chính sách. Một lựa chọn như vậy của Fed sẽ duy trì xu hướng tăng giá của vàng. “Điều này có nghĩa là lãi suất thực của Fed thấp hơn so với các chu kỳ trước. Các ngân hàng trung ương và người tiêu dùng đang mua vàng như một cách để bảo vệ sức mua của họ”, vị chuyên gia nói.
Còn theo ông Cholly, giới đầu tư hiện nay nhận thấy có nhiều lý do để giữ vàng.
“Nhu cầu tìm kiếm sự an toàn sẽ là một yếu tố. Vàng không chỉ là hàng rào chống lại sự mất giá của đồng USD và biến động lãi suất ở Mỹ. Căng thẳng địa chính trị đang gia tăng trở lại, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc. Mọi người bắt đầu cảm thấy có nhiều sự không chắc chắn và chúng ta có thể sắp bước vào thời kỳ suy thoái. Vàng sẽ còn mạnh”, ông Cholly nói.
Do giá vàng cao, nhu cầu vàng vật chất tại khu vực châu Á trong tuần này trầm lắng. Ở Ấn Độ, mùa lễ hội không đủ sức kích cầu vàng, khiến các nhà kinh doanh vàng ở nước này phải giữ giá vàng bán lẻ ở trạng thái thấp hơn giá vàng thế giới tuần thứ 6 liên tiếp.
Trao đổi với hãng tin Reuters, một nhà kinh doanh vàng Ấn Độ cho biết nhu cầu vàng trong tuần này thấp hơn khoảng 20% so với bình thường. Giá vàng Ấn Độ trong tuần phổ biến quanh ngưỡng 60.072 Rupee/10 gram, so với mức kỷ lục 61.399 Rupee/10 gram thiết lập trong tháng 4.
So với giá chính thức (tính bằng giá quốc tế cộng thuế nhập khẩu 15% và thuế tiêu thụ 3%), giá vàng bán lẻ ở Ấn Độ trong tuần thấp hơn 16 USD/oz, từ chỗ thấp hơn 22 USD/oz trong tuần trước.
Ở Trung Quốc, lực mua vàng cũng giảm do giá cao. So với giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế, giá vàng bán lẻ ở Trung Quốc tuần này cao hơn từ 1-6 USD/oz. Tháng trước, giá vàng bán lẻ ở Trung Quốc cao hơn từ 26-40 USD/oz so với giá vàng quốc tế. Chênh lệch giảm phản ánh nhu cầu vàng vật chất ở Trung Quốc yếu đi.
Tại Hồng Kông, giá vàng bán lẻ tuần này cao hơn 0,5-2 USD/oz so với giá thế giới. Tại Singapore, chênh lệch là cao hơn 1-2,2 USD/oz. Tại Nhật Bản, giá vàng bán lẻ trong tuần dao động từ ngang bằng đến cao hơn 0,5 USD/oz so với giá thế giới./.