Giá vàng thế giới vừa trải qua tuần tệ nhất kể từ tháng 2, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tính tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay để chống lạm phát. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng bức tranh kinh tế vĩ mô của Mỹ hiện nay không ủng hộ quan điểm cứng rắn đó của Fed, đồng nghĩa giá vàng vẫn còn “cửa” để hồi phục mạnh.
Ảnh minh hoạ – Ảnh: Bloomberg.
Đóng cửa phiên ngày thứ Sáu tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 6,4 USD/oz, tương đương tăng 0,3%, chốt ở 1.921,2 USD/oz – theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Cả tuần, giá vàng giảm 2,1%, mạnh nhất kể từ trung tuần tháng 2.
Giá vàng đương đầu nhiều yếu tố bất lợi
Trong cuộc điều trần định kỳ mỗi năm 2 lần về chính sách tiền tệ trước Quốc hội Mỹ, diễn ra vào ngày thứ Tư và thứ Năm tuần này, Chủ tịch Fed Jerome Powell khẳng định còn phải tăng lãi suất để kéo lạm phát xuống. Ông nói rằng lạm phát đã được kiểm soát phần nào kể từ giữa năm ngoái nhưng áp lực tăng giá tiếp tục ở mức cao và quá trình đưa lạm phát trở lại mức 2% còn một chặng đường dài.
Không chỉ ông Powell mà các quan chức khác của Fed cũng thể hiện quan điểm cứng rắn.
Hôm thứ Sáu trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters, Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco, bà Mary Daly, nói rằng hai lần tăng lãi suất nữa trong năm nay là một dự báo “rất hợp lý”, đồng thời lặp lại lời kêu gọi của ông Powell về việc thận trọng hơn trong các quyết định chính sách.
Chủ tịch Fed Atlanta, ông Tom Barkin, hôm thứ Năm nói rằng ông không tin rằng lạm phát đang trên đà giảm xuống mục tiêu 2%, nhưng từ chối dự đoán kết quả của cuộc họp chính sách tháng 7 của Fed.
Thị trường đang đặt cược khả năng 74,4% Fed nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 7 – theo công cụ FedWatch của sàn giao dịch CME.
Ngoài ra, giá vàng còn chịu áp lực giảm giá từ động thái tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương khác. Hôm thứ Năm, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, một mức tăng lớn hơn dự báo, và các ngân hàng trung ương của Na Uy và Thuỵ Sỹ cũng nâng lãi suất.
Môi trường lãi suất tăng gây áp lực giảm giá lên vàng – một tài sản không mang lãi suất. Ngoài ra, triển vọng Fed tăng lãi suất còn củng cố sức mạnh cho đồng USD, tạo thêp sức ép mất giá đối với vàng vì kim loại quý này được định giá bằng bạc xanh. Đồng USD tăng giá mạnh trong phiên ngày thứ Sáu, với chỉ số Dollar Index chốt ở mức gần 102,9 điểm, tăng 0,5% so với phiên trước. Cả tuần, chỉ số tăng hơn 0,6%.
Nhà phân tích kim loại quý Suki Cooper của Standard Chartered nhận định với trang Kitco News: “Giá vàng đã chịu áp lực sau các quyết định của ngân hàng trung ương trong tháng 6 này. Thị trường hiện đang kỳ vọng rằng lãi suất còn tăng, và những cơn gió ngược vĩ mô đối với vàng đã xuất hiện trong lúc đồng USD cũng tăng trở lại”.
Ngoài môi trường vĩ mô bất lợi, vị thế kỹ thuật của vàng có vẻ không được tốt sau khi giá giảm xuống dưới mức trung bình động 100 ngày ở khoảng 1.940 USD/oz.
“Việc giá vàng giảm xuống dưới mức trung bình động 100 ngày là tín hiệu cho thấy giá còn giảm nữa. Bên cạnh các yếu tố vĩ mô đang chống lại vàng, các yếu tố kỹ thuật đang xấu đi”, chuyên gia kim loại quý của Gainesville Coins Everett Millman nhận định trong một cuộc trao đổi với Kitco News. Ông Millman cho biết thêm mức kháng cự mới của giá vàng là 1.940 USD/oz và mức hỗ trợ là 1.900 USD/oz và sau đó là 1.880 USD/oz.
Ông Kevin Grady, chủ tịch của Phoenix Futures and Options LLC, cho biết rất nhiều trạng thái đầu cơ vàng giá lên đã bị loại bỏ trong bối cảnh thị trường không còn kỳ vọng Fed giảm lãi suất trong năm nay. Ông Grady nói với Kitco News: “Thị trường vàng đang chờ môt tuyên bố từ Fed rằng họ sắp đến lúc cắt giảm lãi suất. Đó mới là khi những người đầu cơ giá lên xuất hiện”.
Bà Cooper chỉ ra rằng dòng tiền chảy ra khỏi các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng đã tăng tốc vào tháng 6. ETF vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust bán ròng 6,9 tấn vàng trong tuần, còn nắm giữ 927,1 tấn vàng. Riêng, trong phiên ngày thứ Sáu, quỹ này bán ròng 2,6 tấn vàng.
“Mặc dù chúng tôi tiếp tục tin rằng có nhu cầu mua vàng, nhưng giá vàng sẽ yếu hơn ở giai đoạn thấp điểm của nhu cầu vàng hàng năm. Mối quan tâm của các ETF đối với vàng đang thấp nhất kể từ năm 2018”, bà Cooper nói, nhấn mạnh rằng những tháng mùa hè thường là thời kỳ nhu cầu vàng giảm xuống mức thấp.
Giá vàng sẽ lên 2.100 USD/oz?
Một số chuyên gia cho rằng giá vàng có thể sắp chạm đáy. Chiến lược gia hàng hóa cấp cao của TD Securities Daniel Ghali nói với Kitco News: “Mức 1.900 USD/oz ở chiều giảm là một mức quan trọng cần theo dõi”.
Trong vài tuần tới, thị trường vàng sẽ theo dõi kỹ lưỡng các dữ liệu vĩ mô của Mỹ, đặc biệt là báo cáo về lao động và lạm phát, để xem tình hình của nền kinh tế có ủng hộ quan điểm của Fed về 2 đợt tăng lãi suất nữa hay không. Nếu các số liệu cho thấy nền kinh tế vẫn nóng, nhiều khả năng Fed sẽ thực hiện đúng kế hoạch đó. Ngược lại, nếu số liệu cho thấy nền kinh tế yếu đi, Fed có thể chỉ nâng lãi suất thêm 1 lần, hoặc thậm chí không nâng.
“Chúng tôi nghĩ rằng dữ liệu sẽ không ủng hộ kỳ vọng của Fed về việc tăng lãi suất hơn nữa. Chúng tôi nhận thấy khả năng cao là Fed đã kết thúc chu kỳ tăng lãi suất bằng đợt tăng vào tháng 5 vừa rồi”, ông Ghali nhận định. Ông nói thêm rằng dữ liệu cần chú ý bao gồm các báo cáo thất nghiệp và báo cáo việc làm. “Chúng tôi cho rằng một cuộc suy thoái sẽ xảy ra trong quý 4 năm nay, và vàng có thể tăng lên mức 2.100 USD/oz vào đầu năm tới”.
Khi dữ liệu bắt đầu xấu đi, thị trường sẽ đặt ra khả năng Fed cắt giảm lãi suất trong 12 tháng tới cao hơn. Và vì vàng là một tài sản tài chính hướng tới tương lai, các nhà đầu tư mới sẽ đổ tiền vào vàng, hỗ trợ giá vàng lên cao hơn – ông Ghali giải thích.
Ông Millman thì cho rằng, việc Fed tạm dừng tăng lãi suất cho đến khi có thông báo tiếp theo là hợp lý, với các tăng thêm hoặc cắt giảm đều tùy thuộc vào dữ liệu kinh tế. Ông nói: “Hai lần tăng lãi suất nữa không phải là điều chắc như đinh đóng cột như ông Powell khẳng định”.
Ngoài ra, trong lịch sử, việc Fed tăng lãi suất sau khi tạm dừng là điều hiếm thấy. “Sau khi tạm dừng, luôn có sự cắt giảm”, ông Millman nói./.