Tin mới nhất
Home / Thị trường vàng / Phân tích kỹ thuật / BẢN TIN VÀNG SỐ 23/2023: Vì sao giá vàng trụ được mốc 1.900 USD/oz giữa triển vọng Fed còn tăng lãi suất?

BẢN TIN VÀNG SỐ 23/2023: Vì sao giá vàng trụ được mốc 1.900 USD/oz giữa triển vọng Fed còn tăng lãi suất?

Tuần này, giá vàng thế giới có lúc giảm dưới 1.900 USD/oz, nhưng cuối cùng vẫn giữ được mức giá này, tránh được một cuộc bán tháo lớn nếu mốc tâm lý chủ chốt này bị xuyên thủng. Giới phân tích cho rằng việc giá vàng trụ được mốc 1.900 USD/oz là một thành tích ấn tượng, xét tới việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến còn tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay.

                                                            Ảnh minh hoạ – Ảnh: Bloomberg.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 11,7 USD/oz, tương đương tăng 0,61%, chốt ở 1.920,8 USD/oz – theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.

Giá vàng thế giới đã giảm 2,5% trong quý 2, đánh dấu quý giảm mạnh nhất kể từ quý 3 năm ngoái, dù vào tháng 5, có lúc giá vàng vượt 2.000 USD/oz lên gần mức cao kỷ lục mọi thời đại. Ở thời điểm đó, giá vàng được hỗ trợ bởi nỗi lo về cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ và kỳ vọng rằng Fed sẽ chuyển sang cắt giảm lãi suất vào cuối năm. Gần đây, khi lạm phát ở Mỹ giảm chậm, thị trường từ bỏ kỳ vọng lãi suất giảm và cho rằng Fed còn phải nâng lãi suất. Điều này khiến giá vàng chịu áp lực giảm, có lúc tụt dưới 1.900 USD/oz trong phiên giao dịch ngày thứ Năm vừa rồi.

Cuộc khủng hoảng ngân hàng “đã có một thời gian kéo lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm vì thị trường cho là Fed sẽ phải dừng tăng lãi suất… Nhưng khả năng đó giờ không còn nữa, và triển vọng lãi suất còn tăng gây áp lực giảm giá lên vàng”, chiến lược gia cấp cao Daniel Pavilonis của RJO Futures nói với hãng tin Reuters.

Trong các cuộc trao đổi với trang Kitco News, giới phân tích nói rằng họ nhận thấy những tín hiệu tích cực từ giá vàng. Đó là xu hướng giảm giá của vàng diễn ra chậm và đều chứ không nhanh và mạnh. Ngoài ra, mốc 1.900 USD/oz đang được giữ vững.

“Tôi ngạc nhiên về sự vững chãi của giá vàng trước những chuyển động trên thị trường trái kho bạc phiếu Mỹ”, ông Chris Weston, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Pepperstone, phát biểu.

Do triển vọng Fed còn phải nâng lãi suất, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng từ mức 3,4% vào đầu tháng 4 lên mức 3,8% hiện nay, bằng với mức vào thời điểm đầu năm. Vàng là tài sản không mang lãi suất nên cả triển vọng Fed tăng lãi suất và đà tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đều đặt ra sức ép mất giá đối với kim loại quý này.

Ngoài ra, thông điệp của Chủ tịch Fed Jerome Powell về ít nhất hai đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay đã đã đẩy đồng USD lên cao hơn, tạo ra một nguồn áp lực mất giá nữa đối với vàng. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác chốt phiên ngày thứ Sáu ở mức 102,9 điểm, giảm 0,4% so với phiên trước. Chỉ số đã giảm hơn 1% trong tháng này, nhưng tăng 0,4% trong quý 2, và giảm chỉ 0,6% từ đầu năm tới nay.

Bên cạnh đó, xu hướng tăng điểm của thị trường chứng khoán Mỹ cũng làm giảm bớt sức hấp dẫn của vàng – một tài sản an toàn. Chỉ số S&P 500, thước đo rộng nhất của giá cổ phiếu ở Phố Wall, đã tăng 6,3% trong tháng 6; tăng 8,5% trong quý 2; và tăng 15,9% từ đầu năm đến nay.

Nhưng thực tế là giá đã không giảm xuống dưới 1.900 USD/oz, cho thấy khả năng trụ vững của thị trường vàng, với tâm lý ngày càng tăng rằng đợt tăng của chứng khoán Mỹ sẽ không kéo dài.

Nhà phân tích thị trường Rupert Rowling của Kinesis Money nhận định: “Mặc dù môi trường mà lãi suất có khả năng tiếp tục tăng sẽ không có lợi cho vàng, nhưng các nhà đầu tư vẫn không tin rằng cổ phiếu sẽ tăng giá thêm nhiều”.

Một phân tích thị trường cấp cao của OANDA, ông Edward Moya, có một góc nhìn thận trọng hơn. Ông nói với Kitco News rằng nếu mốc 1.900 USD/oz bị xuyên thủng, sẽ có một đợt bán kỹ thuật đáng kể trên thị trường vàng. Ông Moya chỉ ra rằng một trong những lý do khiến vàng trụ vững trên mốc 1.900 USD/oz là do thị trường vẫn chưa phản ánh được khả năng có thêm hai đợt tăng lãi suất của Fed. Theo dữ liệu từ CME FedWatch Tool, giới đầu cơ đang đặt cược khả năng gần 90% Fed tăng lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 7 và khả năng 70% Fed tạm dừng nâng lãi suất vào tháng 9.

“Liệu lạm phát có trở nên dai dẳng hơn không, và liệu Fed có đưa ra thêm hai đợt tăng lãi suất nữa không? Khả năng đó đã được định giá chưa? Chưa hề,” ông Moya nói. “Dữ liệu lạm phát công bố hôm nay cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt, nhưng chưa nhiều”.

Số liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày thứ Sáu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm từ mức tăng 4,3% ghi nhận trong tháng 4 nhưng còn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed. Ngoài ra, PCE lõi tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với mức dự báo.

Theo quan điểm của ông Moya, hiện tại, vàng không hấp dẫn lắm, nhưng giá vàng vẫn có thể bùng nổ nếu thị trường đánh giá lại mức độ quyết liệt của Fed trong cuộc chiến chống lạm phát.

“Việc tăng lãi suất của Fed thường làm giảm giá vàng. Nhưng với vị thế trên thị trường hiện nay, chúng ta có thể chứng kiến thị trường chứng khoán xảy ra một cuộc bán tháo và nhu cầu trú ẩn an toàn ở vàng quay trở lại mạnh mẽ. Đây hoàn toàn không phải là một môi trường mà vàng sẽ suy sụp”, ông Moya nói.

Vị chuyên gia đang dự đoán giá vàng sẽ còn giao dịch trong vùng biên độ hẹp trong ngắn hạn, với rủi ro giảm sâu hơn nếu giá xuống dưới $1900/oz. “Nếu giá vàng giảm dưới mức đó, câu chuyện có thể trở nên tồi tệ. Nhưng tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra”, ông nói.

Xu thế giằng co trong vùng hẹp có thể đủ để giữ cho vàng không giảm xuống thấp hơn. Nhưng đồng thời, khả năng tăng đáng kể khó có thể trở thành hiện thực trong ngắn hạn – theo ông Bart Melek, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa toàn cầu của TD Securities.

“Với CPE lõi tháng 5 thấp hơn một chút so với dự kiến, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã dịu đi. Cùng với đó, đồng USD giảm giá, và giá vàng bật tăng thuyệt phục trên ngưỡng 1.900 USD/oz. Diều này làm giảm rủi ro giá vàng giảm dưới ngưỡng bình quân 200 ngày, ít nhất ở thời điểm hiện tại”, ông Melek nói.

Còn theo ông Sean Lusk, đồng giám đốc của Walsh Trading, với nhiều bằng chứng cho thấy lạm phát ở Mỹ có thể đã đạt đỉnh, xu hướng bán vàng có thể sắp kết thúc. “Nhưng vàng nên giữ được vùng giá hiện nay. Vàng cần đạt mốc 1.966 USD/oz để chuyển sang xu hướng tăng giá”, ông nói.

Cũng theo ông Lusk, kim loại quý sẽ chỉ tăng cao hơn một khi thị trường chứng khoán đảo ngược đà tăng hiện nay. Ông nói: “Nếu thị trường chứng khoán tiếp tục tăng, nhu cầu vàng sẽ ít hơn. Các đợt phục hồi của thị trường chứng khoán sẽ làm tăng lạm phát và điều đó sẽ khiến Fed tiếp tục tăng lãi suất, và đồng USD rốt cục hưởng lợi trong việc này. Nhưng đừng nghĩ rằng thị trường chứng khoán còn tăng khi bước sang quý 3”.

Ông Lusk nói thêm rằng việc đồng USD tăng giá gần đây là lý do tại sao vàng bị bán ra.

SPDR Gold Trust bán ròng 2,6 tấn vàng trong phiên ngày thứ Sáu, nâng tổng mức bán ròng của hai phiên liên liên tiếp lên 4,9 tấn. Hiện quỹ này đang nắm 921,9 tấn vàng.

“Nếu vàng giảm xuống dưới 1.900 USD/oz, các nhà đầu tư nên chú ý đến mức 1.850-1.814 USD/oz. Nếu vùng giá đó không giữ được thì việc giảm xuống còn 1.720 USD/oz là có thể xảy ra. Đó là một kịch bản thị trường đầu cơ giá xuống”, ông nói./.

About vgta

Check Also

BẢN TIN VÀNG SỐ 25/2023: Chính sách của Fed vẫn là ẩn số lớn nhất đối với giá vàng

Giá vàng vừa hoàn tất một tuần tăng mạnh, nhưng giới phân tích nói rằng ...

BẢN TIN VÀNG SỐ 24/2023: Giá vàng tuần tới: “Phán quyết” từ báo cáo lạm phát Mỹ

Dù giá vàng đã phục hồi khá mạnh trong phiên ngày thứ Sáu, giới phân ...

BẢN TIN VÀNG SỐ 22/2023: Giá vàng tuần tới: Cơ hội tăng có đến từ dữ liệu kinh tế của Mỹ?

Giá vàng thế giới vừa trải qua tuần tệ nhất kể từ tháng 2, trong ...