Dù giá vàng đã phục hồi khá mạnh trong phiên ngày thứ Sáu, giới phân tích cho rằng thị trường kim loại quý này vẫn chưa chứng tỏ được rằng xu hướng giá xuống đã chấm dứt. Họ nhận định báo cáo lạm phát của Mỹ dự kiến công bố vào tuần tới sẽ có ảnh hưởng lớn tới động thái của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong cuộc họp tháng 7, do đó sẽ quyết định hướng đi sắp tới của giá vàng.
Ảnh minh hoạ – Ảnh: Bloomberg.
Lúc đóng cửa phiên ngày thứ Sáu tuần này tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 13,6 USD/oz, tương đương tăng 0,71%, chốt ở 1.925,4 USD/oz.
“Chất xúc tác” cho phiên tăng giá này của vàng là số liệu việc làm yếu hơn dự báo của Mỹ. Theo báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ, khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế lớn nhất thế giới có thêm 209.000 công việc mới trong tháng 6 và tỷ lệ thất nghiệp là 3,6%. Trước đó, các chuyên gia kinh tế được hãng tin Dow Jones khảo sát dự báo số công việc mới là 240.000 và tỷ lệ thất nghiệp là 3,6%.
Số lượng việc làm mới ít hơn dự kiến được nhiều nhà đầu tư xem như một dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm đang suy yếu, đồng nghĩa Fed có thể không phải tăng lãi suất nhiều thêm nữa.
Một số phần khác của báo cáo trên, bao gồm tiền lương tăng mạnh hơn dự kiến, tiếp tục đẩy cao mối lo ngại sẵn có của thị trường rằng Fed có thể tìm được lý do để nối lại việc tăng lãi suất trong cuộc họp vào ngày 26/7. Tiền lương bình quân theo giờ tăng 0,4% trong tháng 6 và tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái; tỷ lệ thất nghiệp giảm 0,1 điểm phần trăm từ mức 3,7% của tháng 5.
Sau báo cáo việc làm vừa công bố, các nhà giao dịch tiếp tục đặt cược cao vào khả năng Fed tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới. Theo dữ liệu từ FedWatch Tool của CME Group, thị trường lãi suất tương lai đang đặt cược ở mức 92% vào một động thái như vậy, tương tự như mức đặt cược trước đó một ngày. Trong cuộc họp hồi tháng 6, Fed phát tín hiệu có thể tăng lãi suất thêm 2 lần trong thời gian còn lại của năm 2023.
Tuy nhiên, một số chuyên gia và nhà đầu tư cho rằng Fed có thể chỉ tăng lãi suất thêm một lần trong tháng 7 rồi dừng.
Do vậy, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm gần 0,9%, chốt phiên ngày thứ Sáu ở mức 102,3 điểm, thấp nhất trong hơn 2 tuần. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng giảm từ đỉnh của hơn 4 tháng thiết lập trong phiên trước.
Vàng là tài sản không mang lãi suất, nên lợi suất trái phiếu giảm có lợi cho giá vàng. Kim loại quý này được định giá bằng USD, nên USD giảm giá cùng có lợi cho giá vàng.
Tuy vậy, khả năng Fed vẫn tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 7 và có thể giữ lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian lâu hơn vẫn gây áp lực mất giá lên vàng, khiến giá vàng khó tăng mạnh hơn.
“Báo cáo việc làm ngày hôm nay mang lại một sự giải toả áp lực đối với giá vàng, ít nhất là trong ngắn hạn. Giá vàng sẽ giữ được trên ngưỡng 1.910 USD/oz, nhưng bài kiểm tra thực sự là ngưỡng 1.950-1.960 USD/oz. Báo cáo việc làm chưa đủ yếu để đưa giá vàng tăng mạnh như vậy”, nhà giao dịch vàng độc lập Tai Wong ở New York nói với hãng tin Reuters.
Cả tuần này, giá vàng thế giới tăng khoảng 0,3%, đánh dấu tuần tăng đầu tiên sau 3 tuần liên tiếp giảm. Dollar Index giảm hơn 0,6% cả tuần.
“Mặc dù tăng trưởng việc làm chậm lại sẽ nhận được sự hoan nghênh của các quan chức Fed, không gì có thể ngăn Fed tăng lãi suất một lần nữa vào cuối tháng này, đặc biệt khi xu hướng giảm tốc độ tăng trưởng tiền lương dường như đang chững lại”, Phó giám đốc phụ trách vấn đề kinh tế Mỹ của Capital Economics, ông Andrew Hunter, nhận định với Kitco News.
Trong bối cảnh chỉ còn hơn hai tuần nữa là đến cuộc họp của Fed vào ngày 25-26/7, các con số lạm phát tháng 6, dự kiến công bố vào thứ Tư tuần tới, sẽ được thị trường theo dõi sát sao.
Ông Michael Boutros, chiến lược gia kỹ thuật cao cấp của Forex.com, cho rằng triển vọng kinh tế vĩ mô là một trong những trở ngại lớn nhất đối với vàng trong ngắn hạn. “Thị trường đang gần như tin chắc Fed tăng lãi suất vào tháng 7. Nhưng thị trường cho rằng Fed chỉ tăng lãi suất thêm 1 lần nữa, trong khi Fed tính tăng 2 lần. Nếu kỳ vọng lãi suất của thị trường phải dịch chuyển từ 1 lần tăng thành 2 lần tăng, giá vàng sẽ gặp nhiều trở ngại”, ông Boutros nói.
“Giá vàng sẽ còn giằng co và sẽ không xảy ra tình trạng giảm sâu”, vị chiến lược gia nói thêm.
Với cái nhìn lạc quan hơn, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda cho rằng triển vọng dài hạn của giá vàng là tốt vì thị trường việc làm còn suy yếu, dẫn tới một nền kinh tế yếu hơn nhiều. “Cuối cùng, giá vàng sẽ hưởng lợi. Nhưng hiện tại, giá vàng còn gặp khó khăn vì Fed còn tăng lãi suất. Báo cáo lạm phát tuần tới có thể sẽ yếu. Nhưng giá vàng nhiều khả năng sẽ giằng co mạnh trong tuần tới”.
Từ góc độ kỹ thuật, ông Boutros chỉ ra rằng vàng chỉ có thể phá vỡ xu hướng giá xuống nếu vượt qua được các ngưỡng cản 1.943 USD/oz và 1.965 USD/oz.
Vùng 1.903-1.910 USD/oz đang chứng tỏ là một vùng hỗ trợ quan trọng và vững chắc của giá vàng, ông Boutros nhận xét. “Nhưng giá vàng vẫn chưa thoát hiểm chừng nào còn chưa đóng cửa được trên mức 1.943 USD/oz rồi 1.965 USD/oz. Khi đó, một xu hướng giá lên rộng hơn có thể hình thành chắc chắn”.
Trong trường hợp giá vàng giảm, ông Boutros lưu ý mức giá 1.891 USD/oz. Nếu không giữ được mốc này, giá vàng có thể lao dốc xuống 1.830 USD/oz.
Quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust bán ròng 2,6 tấn vàng trong phiên ngày thứ Sáu, giảm nắm giữ còn 915,3 tấn vàng. Tuần này, quỹ bán ròng 6,6 tấn vàng, nối tiếp xu hướng bán ròng của những tuần gần đây./.