Giá vàng thế giới vừa trải qua một tuần giằng co giữa hai yếu tố tác động trái chiều, một bên là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng gây áp lực giảm lên giá vàng và một bên là những bấp bênh kinh tế thúc đẩy nhu cầu nắm giữ vàng để phòng ngừa rủi ro. Theo một số nhà phân tích, trong tuần này, dữ liệu lạm phát của Mỹ có thể quyết định hướng đi sắp tới của thị trường kim loại quý.
Ảnh minh hoạ – Ảnh: Bloomberg.
Tuần trước, giá vàng đã duy trì được ngưỡng hỗ trợ quan trọng của ngắn hạn, nhưng không tạo đủ xung lực để thử thách một ngưỡng kháng cự quan trọng. Giá vàng giao tháng 12 trên sàn COMEX chốt gần mốc 1.980 USD/oz, giảm khoảng 1% cả tuần. Giá vàng giao ngay tại thị trường New York dừng ở mức 1.943,6 USD/oz – theo dữ liệu từ sàn Kitco.
Giá vàng đã hồi phục từ mức đáy thiết lập trong tuần, nhưng các nhà phân tích lưu ý rằng kim loại quý vẫn phải đối mặt với một số khó khăn do dữ liệu kinh tế công bố trong tuần này không mang lại bằng chứng chắc chắn rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sắp giảm bớt sự cứng rắn trong lập trường chính sách tiền tệ.
Báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng 7 từ Bộ Lao động hôm thứ Sáu vừa rồi đã mang tới cho thị trường một bức tranh thiếu đồng nhất, khi số lượng việc làm mới là thấp hơn kỳ vọng, nhưng lạm phát tiền lương lại tăng. Theo báo cáo, khu vực phi nông nghiệp trong nền kinh tế Mỹ có 187.000 việc làm mới được tạo ra trong tháng trước, một con số ít hơn so với kỳ vọng của các nhà kinh tế về tăng trưởng việc làm là 200.000 công việc. Nhưng mặt khác, tiền lương đã tăng 0,4% so với tháng trước đó.
Một số nhà phân tích đã nói rằng để vàng phục hồi sức hấp dẫn và duy trì đà tăng trên ngưỡng 1.980 USD/oz, thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6, dự kiến được công bố vào ngày thứ Năm tuần tới, phải thấp hơn dự kiến. Vì lạm phát giảm nhanh sẽ làm gia tăng khả năng Fed dừng tăng lãi suất và giảm khả năng Fed giữ lãi suất ở mức đỉnh trong thời gian dài.
Ông Daniel Pavilonis, nhà môi giới hàng hóa cao cấp của RJO Futures, nhận định với trang Kitco News: “Tôi lạc quan thận trọng về khả năng tăng giá vàng vào tuần tới, nhưng nếu CPI yếu và vàng vẫn không thể phục hồi, thì tôi nghĩ cơ hội tăng giá cho vàng trước mắt đã khép lại. Nếu vàng không thể phục hồi trong môi trường đó, thì tôi nghĩ thị trường cần điều chỉnh lại và tích luỹ ở mức giá thấp hơn”.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích không tin rằng lạm phát ở Mỹ đã sẵn sàng cho việc giảm sâu hơn nữa. Ông Christopher Vecchio, người đứng đầu bộ phận thị trường tương lai và ngoại hối tại Tastylive.com, nói ông không tin rằng lạm phát sẽ đạt mục tiêu 2% của Fed trong thời gian trước mắt. Nếu vậy, Fed có thể còn phải tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay và giá vàng sẽ gặp trở ngại.
Ông Vecchio nói thêm rằng các hiệu ứng cơ sở hỗ trợ cho sự sụt giảm của CPI kể từ mức cao nhất của năm ngoái hiện đang tự mất dần. Ông cũng chỉ ra rằng nền kinh tế Mỹ đang phải đối mặt với sự gia tăng mới của giá lương thực và năng lượng.
“Tôi nghĩ rủi ro bây giờ là dữ liệu lạm phát sẽ ủng hộ quan điểm của Fed rằng lãi suất sẽ phải duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài. Chúng ta cũng có thể thấy thị trường bắt đầu định giá về việc tăng lãi suất vào tháng 11. Điều đó sẽ tạo ra một môi trường khó khăn cho vàng”, vị chuyên gia nói.
Ông Vecchio cho biết ông giữ quan điểm trung lập về vàng: tuy không cho là vàng sẽ bứt phá nhưng cũng không muốn đặt cược vào sự mất giá vàng vì có vẻ như lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có thể sẽ không vượt xa được mốc 4%.
“Tôi không nhận thấy bất kỳ hướng đi rõ rệt nào của vàng trong suốt mấy tuần qua. Mỗi khi chúng ta vượt qua mức 1.950 USD/oz, đà tăng không kéo dài lâu; mỗi khi chúng ta giảm xuống dưới mức này, đợt bán tháo sẽ không kéo dài. Thành thật mà nói, các chỉ số kỹ thuật là một mớ hỗn độn”, ông Vecchio nói.
Vị chuyên gia nói thêm rằng cũng có rủi ro là ngay cả khi dữ liệu lạm phát yếu hơn dự kiến, số liệu đó có thể không đủ để thay đổi quan điểm “diều hâu” của Fed vì vẫn còn rất nhiều con số kinh tế khác được công bố trước các cuộc họp chính sách tiền tệ của tháng 9 hoặc tháng 11 của ngân hàng trung ương này.
Nhưng không có chỉ lập trường chính sách tiền tệ của Fed chi phối thị trường vàng. Kim loại quý này đã tìm thấy sự hỗ trợ vững chắc khi lo ngại về nền kinh tế giảm tốc đã và đang hỗ trợ nhu cầu trú ẩn an toàn. Nhu cầu này càng gia tăng khi hãng đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings tuần vừa rồi cắt giảm điểm tín nhiệm dài hạn của Chính phủ Mỹ xuống AA+ từ mức AAA.
Ông Edward Moya, nhà phân tích cấp cao về thị trường Bắc Mỹ tại OANDA, cho biết trên thị trường đang có mối lo ngại rằng việc hạ bậc tín nhiệm này liên quan nhiều hơn đến tình hình sức khỏe của nền kinh tế Mỹ và việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng thực chất lại có thể tạo ra nhu cầu trú ẩn an toàn bằng cách nắm giữ vàng. “Nếu lợi suất trái phiếu tiếp tục tăng, điều đó có thể khiến thị trường hoảng sợ. Lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn vẫn là một môi trường mà vàng có thể phát triển mạnh, đặc biệt nếu Phố Wall ngày càng lo lắng về tình trạng thâm hụt ngân sách của Chính phủ Mỹ”, ông Moya nói.
Bất chấp sự biến động ngắn hạn của vàng, ông Moya cho biết vẫn có những lý do chính đáng để tin vào sự tăng giá vàng trong dài hạn vì Fed sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt. Ông nói: “Sẽ là một hành trình gập ghềnh để giảm lạm phát xuống 2%, nhưng Fed có thể đạt được mục tiêu đó vì nền kinh tế đang chậm lại. Chúng tôi ta đang bắt đầu thấy sự kết thúc của chính sách thắt chặt tiền tệ, khi mà Fed tiến gần hơn đến mục tiêu lạm phát của họ, và điều đó hỗ trợ giá vàng”.
Tuy nhiên, ông Vecchio cho biết ông không mong đợi việc giảm điểm tín nhiệm của Mỹ sẽ tạo ra nhiều nỗi lo sợ trên thị trường. Ông nói thêm rằng các điều kiện kinh tế Mỹ hiện nay đã hoàn toàn khác so với năm 2011 khi S&P 500 khiến thị trường hoảng sợ với việc hạ điểm tín nhiệm của Washington ở thời điểm đó – động thái góp phần đã đẩy giá vàng lên mức cao nhất mọi thời đại tính tới khi đó là trên 1.900 USD/oz.
Ông nói: “Việc Fitch giảm điểm tín nhiệm của Chính phủ Mỹ đã tạo ra những dòng tít báo thu hút, nhưng các tiêu chí họ sử dụng có vẻ hơi mỏng manh. Chúng ta đã chứng kiến việc bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ trong tuần qua có lẽ không phải vì điểm tín nhiệm của Mỹ giảm, mà là vì các nhà đầu tư đang tin vào khả năng hạ cánh mềm của nền kinh tế Mỹ và theo đó họ giảm nắm giữ các tài sản an toàn”./.