Giá vàng thế giới có vẻ như đã vấp phải kháng cự mạnh vào cuối tuần vừa rồi, và tuần tới nhiều khả năng sẽ là một tuần giao dịch trầm lắng, một mặt do yếu tố kỹ thuật và mặt khác do nghỉ lễ ở Mỹ.
Ảnh minh hoạ – Ảnh: Bloomberg.
Tuần vừa qua, giá vàng đã chứng kiến sự phục hồi vững chắc sau khi giảm xuống mức thấp nhất nhiều tháng trong tháng 8, nhưng một số nhà phân tích lưu ý rằng ở thời điểm hiện tại, kim loại quý này không có đủ động lực để xâm nhập vào vùng tăng giá. Với việc thị trường tài chính Bắc Mỹ đóng cửa vào thứ Hai để nghỉ Lễ Lao động, các nhà phân tích cho rằng khả năng đột phá là khó xảy ra trong ngắn hạn.
Tuần vừa qua chứng kiến giá vàng kỳ hạn tháng 12 tăng lên mức cao nhất trong ba tuần, nhanh chóng chạm mức 1.980,2 USD/oz vào thứ Sáu sau báo cáo bảng lương phi nông nghiệp ảm đạm. Mặc dù nền kinh tế tạo ra nhiều việc làm hơn dự kiến của các nhà kinh tế, nhưng mức tăng lương lại yếu hơn dự kiến và tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh – dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm có vẻ đã “ngấm” 11 đợt nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Điều này được một bộ phận nhà đầu tư cho là đồng nghĩa với việc đã đến lúc Fed có thể dừng việc tăng lãi suất trước khi xoay trục sang nới lỏng tại một thời điểm nào đó trong năm 2022.
Tuy nhiên, đà tăng của giá vàng đã hạ nhiệt đôi chút, với giá vàng kỳ hạn tháng 12 được giao dịch vào cuối phiên ngày thứ Sáu ở mức 1.967,30 USD/ounce, tăng 1,4% cả tuần. Giá vàng giao ngay thậm chí chốt phiên ngày thứ Sáu trong trạng thái đi ngang so với mức chốt của phiên trước, ở mức 1.940,6 USD/oz – theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Giá vàng tăng lên mức cao sau khi báo cáo việc làm tổng thể tháng 8 từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy 187.000 việc làm đã được tạo ra trong khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng 8, mức cao hơn so với con số dự báo có 170.000 việc làm mới mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó. Tuy nhiên, số lượng việc làm mới trong tháng 6 và tháng 7 đã được điều chỉnh giảm mạnh. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng lên mức 3,8% từ mức 3,5%, cho dù các nhà kinh tế đang đã kỳ vọng con số không thay đổi.
Một số nhà phân tích cho rằng mặc dù các dấu hiệu trì trệ đang bắt đầu xuất hiện trên thị trường lao động nhưng dữ liệu không đưa ra bất kỳ hướng đi rõ ràng nào cho các nhà đầu tư. Ông Daniel Ghali, chiến lược gia hàng hóa cao cấp tại TD Securities, nhận định: “Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá đồng USD còn cao sẽ tiếp tục gây áp lực giảm lên giá vàng”.
Ông Ghali tương đối trung lập về triển vọng vàng trong thời gian tới, nhưng ông nói thêm rằng các nhà đầu tư không nên xem nhẹ sức mạnh đáng ngạc nhiên trên thị trường khi giá vàng đang trụ vững trong môi trường lợi suất trái phiếu tăng và đồng đô la Mỹ mạnh. “Giá vàng không giảm nhiều mặc dù đồng đô la Mỹ đang cao. Tuy nhiên, vẫn cần phải có những dấu hiệu rõ ràng rằng Fed đã sẵn sàng cho việc cắt giảm lãi suất , vì nền kinh tế vẫn có thể nói là còn vững”, ông Ghali nói.
Ông Phillip Streible, giám đốc chiến lược thị trường tại Blue Line Futures, nhận định giá vàng đang mắc kẹt trong vùng nằm giữa ngưỡng kháng cự 1.986 USD/oz và mức hỗ trợ 1.936 USD/oz. Ông nói: “Hiện tại tôi không thấy bất cứ điều gì có thể ngăn chặn đà tăng của lợi suất trái phiếu” – một nhân tố gây áp lực giảm mạnh lên giá vàng thời gian gần đây.
Ông James Stanley, chiến lược gia thị trường cấp cao tại Forex.com, nhận định rằng ông cũng nhận thấy vàng sẽ còn giằng co trong thời gian tới; tuy nhiên, ông nói thêm rằng các nhà đầu cơ vàng giá lên có thể có lợi thế trong ngắn hạn. “Việc giá vàng đã giữ được mức hỗ trợ ngay cả khi đồng USD tăng giá trở lại trong vài ngày qua là một yếu tố khá lạc quan”, ông Stanley nhấn mạnh.
Với rất ít dữ liệu kinh tế dự kiến được công bố vào tuần tới, các nhà phân tích cho rằng các nhà đầu tư nên chú ý đến diễn biến tỷ giá đồng đô la Mỹ và lợi suất trái phiếu. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD hiện vẫn ở mức cao gần ba tháng trên 104 điểm.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tuy giảm so với mức cao nhất trong 15 năm của tuần trước, nhưng vẫn ở mức trên 4%. Mặc dù mối đe dọa về việc tăng lãi suất hơn nữa từ Fed đã giảm bớt sau số liệu việc làm đáng thất vọng hôm thứ Sáu, các nhà phân tích lưu ý rằng mối đe doạ này vẫn chưa hoàn toàn biến mất.
Theo CME FedWatch Tool, thị trường nhận thấy khả năng cao Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong tháng 9, đồng thời cũng đang định giá khả năng 60% Fed không thay đổi lãi suất trong tháng 11. Các dữ liệu tuần qua cho thấy hoạt động kinh tế đang chậm lại, nhưng một số nhà phân tích cho rằng cần có một xu hướng quyết định hơn. Sau cuộc họp tháng 9 và tháng 11, Fed còn một cuộc họp chính sách tiền tệ vào tháng 12 trước khi kết thúc năm 2023.
“Chúng ta cần theo dõi chặt chẽ các công bố dữ liệu của Mỹ trong những tuần tới, điều này có thể làm sáng tỏ hơn những gì Fed có thể làm. Chúng tôi tin rằng giá vàng sẽ giằng co trong thời gian tới vì lạm phát ở Mỹ còn cao, và triển vọng lạm phát sẽ bị ảnh hưởng bởi các số liệu kinh tế sắp tới. Chúng tôi tin rằng khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất sẽ tiếp tục kiềm chế khả năng tăng của giá vàng trong thời điểm hiện tại”, bà Ewa Manthey, chiến lược gia hàng hóa tại ING, nhận định.
Các nhà phân tích hàng hóa tại Commerzbank cũng lưu ý rằng vàng có thể vẫn nằm trong vùng trung lập vì “vẫn chưa rõ chính sách lãi suất của Mỹ sẽ diễn tiến như thế nào”.
Chênh lệch giữa giá vàng bán lẻ ở Trung Quốc so với thế giới đã giảm trong tuần vừa rồi do nhu cầu phòng ngừa rủi ro giảm bớt, khi nhà đầu tư hy vọng rằng các biện pháp kích cầu sẽ giúp cải thiện tình hình của nền kinh tế. Giá vàng bán lẻ ở Trung Quốc tuần qua cao hơn 20-38 USD/oz so với giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế, so với mức chênh 40-60 USD/oz trong tuần trước.
Ở Ấn Độ, giá vàng bán lẻ tuần qua cao hơn khoảng 4 USD/oz so với giá chính thức. Giá vàng chính thức ở nước này tính bằng giá thế giới cộng thêm 15% thuế nhập khẩu và 3% thuế tieu thụ.
Ở Hồng Kông, giá vàng bán lẻ tuần qua cao hơn 2-3,5 USD/oz so với giá quốc tế. Ở Singapore, mức chênh lệch là 2-3 USD/oz./.