Tuần này là một tuần khó khăn đối với vàng khi thị trường chứng kiến chuỗi phiên giảm dài nhất trong 7 năm, đẩy giá vàng về mức thấp nhất kể từ tháng 3/2023. Mặc dù giá vàng vẫn có thể giảm sâu hơn trong thời gian tới nhưng một số nhà phân tích cho rằng có thể đã có chút “ánh sáng cuối đường hầm” đối với giá kim loại quý này.
Ảnh minh hoạ – Ảnh: Bloomberg.
Sau 9 phiên giảm liên tiếp – chuỗi phiên giảm dài nhất kể từ năm 2016 – giá vàng đã tăng trở lại trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu. Đóng cửa phiên giao dịch tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 12,9 USD/oz, tương đương tăng hơn 0,7%, chốt ở mức 1.834,1 USD/oz.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ ngày thứ Sáu cho thấy khu vực phi nông nghiệp của nền kinh tế Mỹ có 336.000 công việc mới trong tháng 9, gần gấp đôi con số dự báo 170.000 công việc mới mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của tiền lương đã giảm so với tháng trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp là 3,8%, cao hơn so với mức dự báo 3,7% mà giới chuyên gia đưa ra.
Vàng đã giảm giá mạnh ngay sau khi báo cáo này được công bố, lập đáy mới của 7 tháng, vì nhà đầu tư lo ngại rằng số lượng việc làm mới vượt kỳ vọng là dấu hiệu cho thấy sự vững vàng của thị trường lao động, có thể củng cố khả năng Fed tăng thêm lãi suất và giữ lãi suất cao hơn lâu hơn.
Dù vậy, giá vàng đã phục hồi sau đó, khi nhà đầu tư bắt đầu lạc quan rằng với tiền lương tăng chậm và tỷ lệ thất nghiệp tăng, Fed có thể không tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 11. Một số nhà phân tích cho rằng yếu tố kỹ thuật giữ vai trò quan trọng hơn trong sự đảo chiều này của giá vàng.
Cả tuần, giá vàng giảm gần 1%, đánh dấu tuần giảm thứ hai liên tiếp, sau khi giảm 4% trong tuần trước.
Ông Michael Moor, người sáng lập công ty phân tích Moor Analytics, cho rằng mặc dù thị trường vàng vẫn đang trong giai đoạn điều chỉnh giảm, nhưng giá vàng đang kiểm nghiệm những mức giá mà ở đó áp lực giảm đã gần như cạn kiệt. Điều này có thể khiến một số nhà đầu tư thăm dò tiềm năng phục hồi giá vàng. Ông Moor cho rằng sau mốc 1.826 USD/oz, giá vàng sẽ kiểm nghiệm mốc 1.796 USD/oz.
“Nếu mức giá đó duy trì được và chúng ta thấy một đợt phục hồi, thì đó có thể báo hiệu sự khởi đầu của một cấu trúc tăng giá dài hạn mới”, vị chuyên gia nói. “Tôi hiện vẫn bi quan về giá vàng, vì yếu tố kỹ thuật và tất cả những yếu tố khác đều chỉ báo giá vàng còn giảm nữa. Nhưng những mức giá đó là ngưỡng mà các nhà giao dịch sẽ kiểm nghiệm thị trường”.
Hiện tại, nhiều nhà phân tích vẫn giữ quan điểm trung lập về vàng vì muốn chờ xem liệu lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ có đạt đỉnh hay không.
Lợi suất trái phiếu dài hạn tăng cao vẫn đang là nhân tố quan trọng nhất chi phối giá vàng. Đợt bán tháo kim loại quý trong tuần này diễn ra khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm của Mỹ tăng lên 5% lần đầu tiên kể từ năm 2007, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất mới trong 16 năm ở mức 4,8%.
Các nhà phân tích thị trường trái phiếu đã chỉ ra rằng lợi suất trái phiếu đang được đẩy lên bởi kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngay cả khi đã hoàn tất việc tăng lãi suất vẫn sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong một khoảng thời gian cho tới khi lạm phát thực sự được khống chế.
Nhưng dù lợi suất trái phiếu có khả năng tăng cao hơn, và nhiều nhà phân tích kỳ vọng trái phiếu kỳ hạn 10 năm sẽ đạt mức lợi suất 5%, một số người cho rằng lợi suất sắp qua đỉnh.
Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty phân tích và dữ liệu OANDA, đánh giá: “Tôi nghĩ những con số việc làm mới nhất cho thấy rõ ràng là nền kinh tế Mỹ được như thế này là tốt lắm rồi. Sớm muộn gì doanh nghiệp Mỹ cũng bắt đầu gặp khó khăn vì mức lãi suất cao như hiện nay”.
Ông Moya cho rằng người tiêu dùng cũng đang cảm nhận được sức nặng của việc lãi suất tăng cao khi nợ thẻ tín dụng tiếp tục tăng. Ông nói: “Rất nhiều bộ phận của nền kinh tế sẽ bị bóp nghẹt vì lãi suất tăng”.
Một khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ quay đầu giảm hoặc Fed bắt đầu phát tín hiệu chuyển sang cắt giảm lãi suất, cơ hội bứt phá của giá vàng sẽ được mở ra.
Dù vậy, ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư trên thị trường vàng vẫn đang bi quan. Quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust có phiên bán ròng thứ tư liên tiếp trong phiên ngày thứ Sáu, kéo dài xu hướng bán ròng từ đầu năm đến nay. Phiên cuối tuần, quỹ bán ròng 1,7 tấn vàng, giảm nắm giữ còn 865,9 tấn vàng. Trong 4 phiên, quỹ xả 9,2 tấn vàng.
Theo ông Moya, dữ liệu lạm phát tháng 9 của Mỹ công bố trong tuần tới có thể cung cấp một số hỗ trợ ngắn hạn cho vàng. Ông giải thích rằng một báo cáo lạm phát yếu hơn kỳ vọng có thể làm tăng kỳ vọng rằng Fed đã hoàn tất việc tăng lãi suất, điều này sẽ làm giảm bớt một số áp lực tăng đối với lợi suất trái phiếu.
Ông Moya nhận thấy khả năng giá vàng giảm xuống còn 1.800 USD/oz nhưng các rủi ro thị trường gia tăng có thể khiến mức giá hiện tại trở thành hấp dẫn để mua vào. “Trong ngắn hạn, tôi nghĩ vàng nên mua ở đây, ngay cả khi lãi suất trái phiếu tăng cao hơn. Với quá nhiều bất ổn kinh tế, có rất nhiều yếu tố tăng giá đối với vàng”, ông nói.
Thị trường vàng vật chất ở châu Á tuần này sôi động hơn do giá giảm xuống mức thấp khuyến khích nhu cầu mua.
Tại Ấn Độ, giá vàng bán lẻ trong tuần cao hơn giá chính thức 5 USD/oz, từ chỗ cao hơn 4 USD/oz trong tuần trước. Giá vàng chính thức ở nước này tính bằng giá quốc tế cộng thuế nhập khẩu 15% và thuế tiêu thụ 3%.
Thị trường Trung Quốc tuần này đóng cửa nghỉ lễ Quốc khánh. Tuần trước, chênh lệch cao hơn của giá vàng bán lẻ ở Trung Quốc so với giá vàng quốc tế đã xuống thang sau khi đạt mức cao kỷ lục trong tháng 9 do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (POBC) hạn chế cấp hạn ngạch nhập khẩu vàng.
Tại Hồng Kông, giá vàng bán lẻ tuần này cao hơn 0,5-3,5 USD/oz so với giá quốc tế. Ở Singapore, chênh lệch là 1,5-3,25 USD/oz, còn ở Nhật Bản, mức chênh là 0,5-1 USD/oz./.