Mốc 2.000 USD/oz của giá vàng sẽ thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư trên thị trường kim loại quý vào tuần tới, khi cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể gây ra những biến động mới nếu ngân hàng trung ương này thể hiện lập trường giữ lãi suất cao hơn trong thời gian lâu hơn.
Ảnh minh hoạ – Nguồn: Bloomberg.
Theo công cụ CME FedWatch Tool, thị trường hiện đang nhận thấy khả năng suýt soát 100% Fed sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25-5,50% trong cuộc họp vào ngày 31/10-1/11. Đồng thời, thị trường cũng kỳ vọng Fed sẽ duy trì chính sách tiền tệ ở trạng thái thắt chặt trong tương lai gần.
Ông Ole Hansen, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại ngân hàng Saxo Bank, cho rằng lập trường cứng rắn của Fed sẽ tiếp tục khiến các nhà đầu tư tránh mua sản phẩm đầu tư của các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng. Trong khi đó, các quỹ ETF đang được coi một phân khúc quan trọng của thị trường để hỗ trợ giá vàng ở mức hiện tại. Từ đầu năm đến nay, các quỹ ETF vàng, điển hình là SPDR Gold Trust liên tục bán ròng. Gần đây, một số ETF vàng lớn có rục rịch mua ròng, nhưng lực mua vẫn còn dè dặt và mang tính thăm dò.
Ông Hansen nói rằng trừ khi giá vàng trụ vững được mốc 2.000 USD/oz, nhiều nhà đầu tư sẽ chốt lời và giá vàng sẽ giảm trong tuần tới.
Lúc đóng cửa phiên ngày thứ Sáu tuần này, giá vàng giao ngay tăng 21 USD/oz, tương đương tăng 1,06%, chốt ở mức 2.006,6 USD/oz – theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Giá vàng giao sau trên sàn COMEX tăng 0,1%, chốt ở mức 1.998,5 USD/oz. Cả tuần, giá vàng giao ngay tăng hơn 1,2%, đánh dấu tuần tăng thứ ba liên tiếp.
“Giá vàng đã tăng rất dốc, điều này không chỉ phản ánh sức mạnh của đợt tăng giá hiện tại mà còn cho thấy nhu cầu điều chỉnh. Đầu tuần này, giá vàng đã điều chỉnh, và rồi tìm thấy ngưỡng hỗ trợ ngay trên ngưỡng 1.950 USD/oz. Việc giá vàng đóng cửa trên 2.000 USD/oz có thể là tín hiệu giá sẽ đến lúc tái lập mức giá đóng cửa kỷ lục khoảng 2.050 USD/oz thiết lập vào tháng 3/2022 và tháng 5 năm nay”, ông Hansen viết trong một báo cáo.
Tuy nhiên, ông Hansen nói thêm rằng tất cả đặt cược vào sự tăng giá như vậy của vàng sẽ bị huỷ nếu Fed “nhắm mắt làm ngơ” trước đà tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Phản ánh mối lo lãi suất cao hơn lâu hơn, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ có thời điểm lại vượt mốc nhạy cảm 5% trong tuần này, trước khi kết thúc tuần ở mức 4,85%.
Nhiều người gần đây kỳ vọng lợi suất tăng cao sẽ khiến các điều kiện tài chính thắt chặt hơn nữa, làm bớt phần việc thắt chặt của Fed. Tuy nhiên, nếu Fed mặc lợi suất cao và tiếp tục giữ quan điểm cứng rắn, giá vàng sẽ gặp bất lợi.
Các nhà phân tích lưu ý rằng ở thời điểm hiện tại, giá vàng đang bị chi phối nhiều hơn bởi bất ổn địa chính trị ở dải Gaza, dù chính sách của Fed vẫn là nhân tố ảnh hưởng chính đến giá vàng trong dài hạn.
Ngày thứ Sáu, các lực lượng của Israel tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch ở Gaza bằng các cuộc không kích dữ dội và đụng độ trên bộ, trong khi lực lượng Hamas của Palestine tuyên bố sẽ đáp trả bằng tổng lực. Nhiều quốc gia, bao gồm các nước Arab, đã lên tiếng kêu gọi Israel hoãn kế hoạch tấn công đổ bộ nhằm vào Gaza vì lo ngại thương vong dân thường và nguy cơ chiến tranh lan rộng.
“Nếu các bên thứ ba như Hezbollah và Iran dính líu vào cuộc chiến tranh này, giá vàng sẽ tăng mạnh hơn nữa ngay cả khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và tỷ giá đồng USD có tăng, vì nhà đầu tư sẽ đổ xô tìm kiếm sự đảm bảo ở hầm trú ẩn cuối cùng là vàng”, nhà phân tích cấp cao Ricardo Evangelista của ActivTrades nhận định.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác chốt tuần ở mức gần 106,6 điểm, tăng gần 0,4% trong tuần này.
Tuần tới, ngoài cuộc họp của Fed, nhà đầu tư còn dõi theo các cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Số liệu kinh tế Mỹ quan trọng nhất dự kiến công bố trong tuần tới là báo cáo thị trường lao động tháng 10.
Thị trường vàng ở khu vực châu Á tuần này bớt trầm hơn so với tuần trước, nhưng lực mua vẫn khá dè dặt do giá vàng tăng cao. Ở Ấn Độ, nhu cầu mua vàng tăng lên trước mùa lễ hội, nhưng trầm lắng nếu so với cùng kỳ các năm.
Giá vàng bán lẻ ở Ấn Độ trong tuần này thấp hơn giá chính thức 5 USD/oz, từ chỗ thấp hơn 4 USD/oz trong tuần trước. Giá vàng chính thức ở nước này tính bằng giá quốc tế cộng thuế nhập khẩu 15% và thuế tiêu thụ 3%.
Giá vàng bán lẻ ở Trung Quốc trong tuần cao hơn 25-41 USD/oz so với giá quốc tế, từ chỗ chênh cao hơn 44-49 USD/oz so với giá quốc tế trong tuần trước. Chênh lệch giữa giá vàng ở Trung Quốc so với giá quốc tế đang tiếp tục xu hướng giảm sau khi lập kỷ lục hồi tháng 9.
Tại Hồng Kông, giá vàng bán lẻ tuần này cao hơn 1,5-2,5 USD/oz so với giá quốc tế. Ở Singapore, chênh lệch là 0,5-2,5 USD/oz, còn ở Nhật Bản, mức chênh là 0,5-1 USD/oz./.