Tin mới nhất
Home / Kinh tế xã hội / Kinh tế trong nước / Giải pháp để phát triển DN tư nhân

Giải pháp để phát triển DN tư nhân

Hiện nay, nước ta có khoảng 400-500 nghìn DN tư nhân, tạo ra trên 1,2 triệu việc làm, đóng góp hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội mỗi năm. 

Những năm gần đây, kinh tế thế giới và trong nước gặp khó khăn, khu vực kinh tế tư nhân vẫn thể hiện được vai trò trụ đỡ quan trọng. Vốn đầu tư của khu vực DN tư nhân tăng, tốc độ tăng trưởng ổn định cho thấy tính bền vững của khu vực này.

Nhưng dù đang có sức vươn lên mạnh mẽ, hiện nay quy mô và nội lực của DN tư nhân Việt Nam đa phần còn nhỏ và yếu. Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, DN Việt Nam có tới 97% ở quy mô nhỏ và vừa. Phần lớn các công ty khối này đi lên từ các mô hình sản xuất gia đình, cá thể nhỏ lẻ.

Theo VCCI, DN quy mô càng nhỏ thì tỷ lệ hoạt động có lãi càng thấp. Tình hình hoạt động kinh doanh của công ty nhỏ, siêu nhỏ nói riêng và các DN dân doanh nói chung đang có xu hướng giảm sút và gặp nhiều khó khăn hơn, 58% DN tư nhân không có lãi để nộp thuế. Sau gần 10 năm gia nhập WTO, đa số các DN dân doanh trong nước vẫn quẩn quanh ở thị trường nội địa…

Nhìn nhận về xu thế phát triển vừa qua, các chuyên gia cho rằng môi trường kinh doanh chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tư nhân kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng. Đặc biệt là DNNVV còn khó khăn trong tiếp cận vốn, đất để mở rộng cơ sở sản xuất, hỗ trợ đào tạo nhân lực… Trong số đó, khó khăn lớn nhất các DN tư nhân hiện nay đang gặp phải chính là tiếp cận được nguồn vốn.

DN tư nhân ở nước ta đa số có quy mô nhỏ, dòng vốn đầu tư mở rộng dây chuyền và quay vòng rất ít. Trong khi đó, các DN này không có tài sản bảo đảm nên khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Mặc dù đã có nhiều chương trình hỗ trợ vốn nhưng chủ yếu là vốn ngắn hạn, trong khi để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh đòi hỏi nguồn vốn dài hạn.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực đang là yếu tố quan trọng thúc đẩy DN tư nhân phát triển. Ông Phạm Văn Tam, Tổng Giám đốc CTCP Điện tử Asanzo cho rằng trong xu thế cạnh tranh khu vực và quốc tế gia tăng như hiện nay, các DN tư nhân cũng rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhưng theo đánh giá thì nguồn nhân lực chất lượng cao và có trình độ vẫn còn hạn chế.

Nhìn vào bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đi vào hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới hiện nay, khi các hiệp định như TPP, AEC… đã và đang lần lượt có hiệu lực thì các DN tư nhân rất cần các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để có thể đứng vững và phát triển. Đặc biệt là cần phát triển mạnh cần có đột phá tư duy về kinh tế tư nhân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, triển khai một cách thực chất cải cách hành chính, phát huy tính chủ động của các DN tư nhân…

Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định DN tư nhân chính là động lực phát triển kinh tế, tạo việc làm và thu nhập xã hội. Vì thế, cần phải có chính sách riêng để nhóm DN này phát triển và hội nhập.

Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tháo gỡ khó khăn vướng mắc, xóa bỏ cơ chế xin cho, tạo thuận lợi cho người dân và DN. Mục tiêu là ngay trong năm 2016, Việt Nam đạt các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh tối thiểu bằng mức trung bình của khu vực.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, góp ý thêm, để có thể hội nhập với nền kinh tế thế giới thì trước hết, kinh tế Việt Nam phải là nền kinh tế thị trường. DN tư nhân cần thực sự được quan tâm, giúp đỡ, đặc biệt là các DNNVV. Đồng thời cần có những sáng kiến, hỗ trợ để thúc đẩy cho DN tư nhân phát triển và từ đó DN tư nhân có thể “tỏa sáng”, trở thành động lực lớn cho nền kinh tế nước nhà.

Còn nhìn nhận về vai trò của các doanh nhân Việt Nam, ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, trong nền kinh tế hội nhập sâu rộng chúng ta cần một đội ngũ DN tư nhân có chiến lược kinh doanh căn cơ, lâu dài, dựa trên năng lực cạnh tranh cao với sự áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản…

Để làm được như vậy, ông Tam bổ sung, các chính sách phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam cần phải sát với nhu cầu thực tế, sát với xu hướng phát triển của xã hội hơn nữa.

Theo Minh Hiếu, Thoibaonganhang.vn

About vgta

Check Also

Muốn có tương lai cần đổi mới quản trị doanh nghiệp

Theo kết quả điều tra của VCCI, các DN có mô hình quản trị tiên ...

Hướng tới chính sách tài khóa bền vững

Tài khóa bền vững đang là một yêu cầu có tính cấp bách, nhất là ...

Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội song hành cùng thách thức

Việt Nam cần thay đổi mô hình tăng trưởng, mô hình công nghiệp hoá, định ...

Trả lời