Tin mới nhất
Home / Kinh tế xã hội / Kinh tế trong nước / Hướng tới chính sách tài khóa bền vững

Hướng tới chính sách tài khóa bền vững

Tài khóa bền vững đang là một yêu cầu có tính cấp bách, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và quốc tế dự báo tiếp tục có những diễn biến khó lường. 

Chính sách tài khóa có nội dung cơ bản là kiểm soát chi tiêu của chính phủ và thuế. Quá trình chi tiêu cũng như các khoản thu thuế của chính phủ có tác động trực tiếp đến các biến số kinh tế vĩ mô, như tăng trưởng và lạm phát. Do vậy, nó được coi là một trong những chính sách kinh tế vĩ mô có vị trí quan trọng trong ổn định và thực thi kinh tế vĩ mô. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định rằng một chính sách tài khóa vững mạnh sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và tạo môi trường ổn định, làm cơ sở đáng tin cậy cho các nhà đầu tư đưa ra các quyết định đầu tư lớn bao gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngược lại một chính sách tài khoá yếu, thâm hụt lớn, nợ chính phủ cao sẽ có tác động tiêu cực đến kinh tế vĩ mô, tạo áp lực lớn cho chính sách tiền tệ trong việc theo đuổi mục tiêu kiểm soát lạm phát. Vì vậy, vấn đề bền vững tài khóa đã được nhiều quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm và chú trọng những năm gần đây. Nhất là trước yêu cầu đảm bảo tính ổn định nguồn thu của ngân sách quốc gia, hạn chế thâm hụt ngân sách và giảm sự gia tăng của mức dư nợ công.

Ảnh minh họa

Đối với Việt Nam, cân đối ngân sách trong những năm gần đây luôn trong tình trạng khó khăn. Thâm hụt ngân sách kéo dài trong nhiều năm và có xu hướng tăng dần từ năm 2012 đến nay, do chi thường xuyên tăng rất nhanh. Trong khi đó thu ngân sách đã giảm về mức độ, phụ thuộc tương đối vào các khoản thu không thường xuyên từ dầu thô, từ thuế sử dụng đất. Mặt khác chi đầu tư phát triển vẫn tiếp tục tăng, dẫn đến tình trạng nợ công tăng dần qua các năm. Cụ thể: năm 2012 tỷ lệ nợ công/GDP  là 50,8%, năm 2013 là 54,2%, năm 2014 là 60,3%, năm 2015 là 60% và năm 2016 là 60,9%. Đây là dấu hiệu của một chính sách tài khóa chưa bền vững, do chính sách tăng ngân sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bù đắp tổng cầu thấp ở khu vực tư nhân trong những năm qua.

Thực tế này cho thấy, tài khóa bền vững đang là một yêu cầu có tính cấp bách, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và quốc tế dự báo tiếp tục có những diễn biến khó lường. Điều đó đặt ra yêu cầu phải củng cố tình hình tài khóa trung hạn, theo đó phải cải cách cơ bản phương thức quản lý nguồn lực ngân sách, phải tăng thu và giảm chi thường xuyên: cần thiết lập một kế hoạch ngân sách trung hạn hướng đến sự cân bằng giữa tiết kiệm và đầu tư, giữa tích lũy và tiêu dùng, xây dựng một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế và có khả năng huy động đầy đủ, chủ động, hợp lý nguồn thu cho ngân sách.

Cần có kế hoạch chi tiêu trung hạn chi tiết, minh bạch, rõ ràng đi cùng với những phân tích đánh giá, dự báo chi tiêu trong tương lai. Bên cạnh đó cần tăng cường trách nhiệm giải trình của từng cá nhân, tổ chức trong việc sử dụng nguồn lực ngân sách, để từ đó có thể xác định rõ trách nhiệm trong quản lý nguồn lực công. Thêm vào đó, phải phối hợp đồng bộ giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ tốt hơn. Có như vậy mới có thể kiểm soát được các nguồn thu, chi của Chính phủ, bảo vệ được ngân sách Nhà nước trước các cú sốc kinh tế.

Theo TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, Thoibaonganhang.vn

About vgta

Check Also

Muốn có tương lai cần đổi mới quản trị doanh nghiệp

Theo kết quả điều tra của VCCI, các DN có mô hình quản trị tiên ...

Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội song hành cùng thách thức

Việt Nam cần thay đổi mô hình tăng trưởng, mô hình công nghiệp hoá, định ...

Luật Hỗ trợ DNNVV: Thu hẹp đối tượng thụ hưởng

Việc bổ sung tiêu chí tham gia BHXH không chỉ thu hẹp đối tượng hỗ ...

Trả lời