Tin mới nhất
Home / Thị trường vàng / Thị trường thế giới / Mốc 2.000 USD/Oz đã cận kề

Mốc 2.000 USD/Oz đã cận kề

Tốc độ tăng mạnh mẽ của giá vàng thế giới trong tuần này có thể tiếp tục trong tuần tới, đưa giá vàng vượt qua mốc chủ chốt 2.000 USD/oz – giới phân tích nhận định trong bối cảnh xung đột vũ trang Nga-Ukraine tiếp tục thúc đẩy nhu cầu “vịnh tránh bão” trên thị trường tài chính toàn cầu.

Ảnh minh họa

Đóng cửa phiên ngày thứ Sáu tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 36,4 USD/oz, tương đương tăng gần 1,9%, chốt ở 1.973,9 USD/oz – theo dữ liệu từ Kitco. Tính cả tuần, giá vàng tăng hơn 4%.

“Không có dấu hiệu nào cho thấy xung đột vũ trang Nga-Ukraine sẽ sớm xuống thang. Nói về tác động của cuộc khủng hoảng này với nền kinh tế toàn cầu, chúng ta sẽ thấy mối lo suy giảm tăng trưởng và áp lực lạm phát trở thành những chủ đề chính”, nhà phân tích Edward Moya của Oanda nói với trang Kitco News. “Điều đó sẽ dẫn tới nhu cầu tài sản an toàn ngày càng lớn, và vàng sẽ toả sáng”.

Thị trường chứng khoán Mỹ tụt điểm và giá các tài sản an toàn gồm vàng, USD và trái phiếu kho bạc Mỹ đồng loạt tăng mạnh sau khi có thông tin cho rằng khói đã được nhìn thấy bốc lên rõ ràng từ một nhà máy điện hạt nhân ở Zaporizhzhia, Ukriane, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở châu Âu, sau khi nhà máy này bị quân Nga tấn công. Truyền thông phương Tây cho biết lực lượng Nga sau đó đã chiếm được nhà máy điện hạt nhân này.

Bức tranh vĩ mô đang tạo điều kiện cho giá vàng đạt mốc 2.000 USD/oz, trong bối cảnh giá của các hàng hoá cơ bản khác, bao gồm dầu thô, palladium, nickel, lúa mì và ngô đồng loạt tăng vọt.

“Có quá nhiều hàng hoá cơ bản đang tăng giá và có thể tiếp tục tăng giá, cả lương thực, kim loại và năng lượng. Chúng ta sẽ chứng kiến giá cả còn leo thang trong tương lai gần”, ông Moya phát biểu.

“Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine sẽ tiếp tục hỗ trợ cho triển vọng tăng giá của các kim loại quý”, nhà phân tích Ole Hansen của Saxo Bank nhận định trong một báo cáo. “Sự tăng giá này không chỉ do nhu cầu nắm giữ các tài sản an toàn, một nhu cầu lúc tăng lúc giảm, mà quan trọng hơn xuất phát từ mối lo rằng căng thẳng địa chính trị sẽ đẩy cao lạm phát, kéo lùi tăng trưởng, và làm suy yếu kỳ vọng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương”.

Nếu giá hàng hoá cơ bản có ảnh hưởng kéo dài đến lạm phát, các ngân hàng trung ương có thể buộc phải tăng lãi suất quyết liệt hơn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là giá vàng sẽ gặp bất lợi – ông Moya nói thêm.

“Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cho thấy rằng họ không muốn tăng lãi suất quá nhanh vì còn phải đánh giá ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine. Nhưng cũng không thể loại trừ Fed có một đợt nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong năm nay. Tôi vẫn dự báo Fed có 4-5 đợt nâng trong năm nay”, ông Moya nói. “Fed có thể trở nên quyết liệt hơn trong việc chống lạm phát vào mùa hè này. Nhưng sự bất định do xung đột vũ trang và tình hình lạm phát vẫn sẽ có lợi cho giá vàng và giúp vàng tăng lên ngưỡng 2.000 USD/oz”.

Hỗ trợ cho giá vàng trong phiên ngày thứ Sáu còn là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm mạnh. Cũng như vàng, trái phiếu kho bạc Mỹ được nhà đầu tư mua nhiều để phòng ngừa rủi ro, khiến giá trái phiếu tăng và lợi suất sụt giảm. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm còn khoảng 1,73%. Tuần trước, có lúc lợi suất trái phiếu này vượt ngưỡng 2%.

Vàng tăng giá bất chấp Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 2 khả quan hơn dự kiến. Khu vực phi nông nghiệp của nước này có 678.000 công việc mới trong tháng trước, vượt xa mức dự báo 440.000 công việc mới mà các chuyên gia được Dow Jones khảo sát đưa ra trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 3,8%.

Đây là báo cáo việc làm cuối cùng trước cuộc họp tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tháng 3, mà theo dự báo ngân hàng trung ương này sẽ bắt đầu nâng lãi suất trở lại. Chủ tịch Fed Jerome Powell tuần này nói rằng ông nghiêng về khả năng Fed nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong tháng 3.

“Dữ liệu việc làm ngày hôm nay là một bằng chứng nữa cho thấy nền kinh tế Mỹ đang đủ mạnh để chống chọi với một chu kỳ tăng lãi suất nhanh. Sự bất định liên quan đến xung đột ở Ukraine sẽ không làm giảm sự cấp thiết buộc Fed phải thắt chặt”, chiến lược gia Seema Shah của Princial Global Investors nhận định.

“Tuy nhiên, trong những tháng tới đây, những sự kiện này có thể làm gia tăng sự thận trọng trong các cuộc thảo luận nội bộ của Fed. Nếu giá lương thực và giá năng lượng tăng cao bắt đầu gây áp lực lớn lên chi tiêu của các hộ gia đình, các nhà hoạch định chính sách có thể quay trở lại tập trung vào những rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế”, ông Shah nói thêm.

Phiên ngày thứ Sáu, giá vàng cũng “phớt lờ” mức tăng 1% của tỷ giá đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt khác. Bên cạnh vàng và trái phiếu kho bạc Mỹ, đồng USD đang là một lựa chọn khác của các nhà đầu tư muốn tìm kiếm sự an toàn. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD chốt tuần ở mức 98,51 điểm, tăng gần 2% trong cả tuần.

Một dữ liệu quan trọng cần theo dõi trong tuần tới là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 của Mỹ, dự kiến công bố vào ngày thứ Năm.

“Giá dầu có thể sớm đạt mốc 150 USD/thùng. Lạm phát sẽ cao hơn nhiều vì giá năng lượng. Hãy đợi cho tới khi có số liệu CPI mới. Mức tăng CPI có thể vượt 8%”, Chủ tịch Kevin Grady của Phoenix Futures and Options LLC nói với trang Kitco News. “Nếu sử dụng phương pháp thống kê cũ, thì lạm phát cả năm có thể lên tới 12-15% rồi”.

Cũng theo ông Grady, thị trường đã tính đến những diễn biến mới trong xung đột Nga-Ukraine vào cuối tuần này. “Không ai biết chắc điều gì sẽ xảy ra vào cuối tuần. Nhà đầu tư đang lo sợ về vụ Nga chiếm nhà máy điện hạt nhân và Nga chiếm một số thành phố của Ukraine. Vì thế, họ mua vàng, bán cổ phiếu, và mua dầu thô”, vị chuyên gia nói.

Ông Grady cho rằng trên con đường tiến tới chinh phục lại mốc 2.000 USD/oz, giá vàng sẽ gặp cản ở mức 1.980 USD/oz và được hỗ trợ ở mức 1.882 USD/oz.

Ông Moya cũng nhận định 1.980 USD/oz là ngưỡng cản kỹ thuật của giá vàng trong ngắn hạn, cho rằng giá vàng có thể dễ dàng tăng hoặc giảm 50 USD/oz. Nhưng một khi mốc 1.980 USD được giữ vững, mục tiêu sẽ là 2.000 USD/oz.

Thị trường vàng vật chất tại khu vực châu Á trầm lắng trong tuần này do giá vàng tăng cao khiến người mua thận trọng. Tại Trung Quốc, giá vàng bán lẻ trong tuần dao động từ thấp hơn khoảng 2 USD/oz cho tới cao hơn 0,8 USD/oz so với giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế, từ chỗ cao hơn 2-6 USD/oz trong tuần trước.

Tại Ấn Độ, giá vàng bán lẻ trong tuần thấp hơn 27 USD/oz so với giá chính (tính bằng giá quốc tế cộng thuế nhập khẩu 10,75% và thuế tiêu thụ 3%), mức chênh lệch thấp hơn sâu nhất 18 tháng, so với mức chênh thấp hơn 18 USD/oz trong tuần trước.

Tại thị trường Hồng Kông, giá vàng bán lẻ tuần này dao động từ thấp hơn 2 USD/oz cho tới cao hơn 1 USD/oz so với giá thế giới, từ chỗ cao hơn 1-2,5 USD/oz trong tuần trước. Tại Singapore, giá vàng bán lẻ trong tuần này cao hơn 1,8-2,5 USD/oz so với giá thế giới, từ chỗ cao hơn 1,6-2 USD/oz trong tuần trước./.

About vgta

Check Also

BẢN TIN VÀNG SỐ 27/2023: Giá vàng tuần này: Áp lực giảm từ dòng số liệu kinh tế Mỹ

Thị trường vàng thế giới đang “đói” những thông tin có thể giúp làm sáng ...

BẢN TIN VÀNG SỐ 25/2023: Chính sách của Fed vẫn là ẩn số lớn nhất đối với giá vàng

Giá vàng vừa hoàn tất một tuần tăng mạnh, nhưng giới phân tích nói rằng ...

BẢN TIN VÀNG SỐ 24/2023: Giá vàng tuần tới: “Phán quyết” từ báo cáo lạm phát Mỹ

Dù giá vàng đã phục hồi khá mạnh trong phiên ngày thứ Sáu, giới phân ...