Dù giữ được mốc 1.800 USD/oz, giá vàng thế giới đã giảm tuần này, chấm dứt chuỗi 4 tuần tăng không nghỉ trước đó. Giới phân tích lo ngại đồng USD tiếp tục mạnh lên có thể khiến giá vàng giảm sâu hơn trong tuần tới.
Giá vàng giao tháng 8 trên sàn COMEX tại New York đóng cửa phiên ngày thứ Sáu với mức giảm 3,6 USD/oz, tương đương giảm 0,2%, còn 1.801,8 USD/oz. Giá vàng giao ngay giảm 4,7 USD/oz, tương đương giảm gần 0,3%, còn 1.803,2 USD/oz.
Ảnh minh hoạ – Ảnh: Bloomberg.
Ông Michael Armbruster, nhà quản lý quỹ thuộc Altavest, nói với trang MarketWatch rằng phiên giảm này của giá vàng “không gây ngạc nhiên, xét đến việc lợi suất trái phiếu trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng. Ngoài ra, vàng còn chịu áp lực giảm giá từ xu hướng tăng của đồng USD và việc cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ cùng lập kỷ lục trong phiên ngày thứ Sáu.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chốt tuần ở mức 1,28%, sau khi lập đáy của 5 tháng dưới mức 1,2% vào đầu tuần. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD đóng cửa với mức tăng nhẹ, lên hơn 92,9 điểm. Cả tuần, chỉ số tăng hơn 0,2%.
Tính cả tuần, giá vàng giao sau giảm khoảng 0,7%.
Giá vàng đã có một tuần giằng co theo diễn biến của thị trường chứng khoán thế giới, khi nhà đầu tư cân nhắc giữa một bên là mối lo về sự lây lan chóng mặt của biến chủng Covid Delta, và một bên là niềm tin vào sự phục hồi kinh tế toàn cầu, đặc biệt là kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, lạc quan đã chiếm ưu thế và chứng khoán Mỹ có một tuần tăng điểm, bất chấp phiên giảm chóng mặt vào đầu tuần. Điều này khiến kim loại quý trở nên kém hấp dẫn.
Bên cạnh đó, khi tìm kiếm một kênh đầu tư an toàn trong thời gian gần đây, giới đầu tư quốc tế đổ vốn nhiều hơn vào đồng USD và Yên Nhật, thay vì gom mua vàng.
Theo nhà phân tích Christopher Louney thuộc RBC Capital Markets, giá vàng hiện đang ở dưới ngưỡng trung bình của vùng biên độ dao động trong 1 năm trở lại đây, trong khi các quỹ giao dịch hoán đổi vàng (ETF) đã bán ròng từ đầu năm đến nay, nên “thị trường không mấy tin tưởng vào triển vọng tăng giá của vàng, cho dù giá vàng có tăng gần đây và lạm phát leo thang”.
Sự kiện được giới đầu tư quan tâm nhất trong tuần tới là cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày thứ Ba và thứ Tư của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và cuộc họp báo sau đó của Chủ tịch Fed Jerome Powell.
Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao thuộc công ty Oanda, nói rằng sức hấp dẫn của vàng suy giảm do “tâm lý ham thích rủi ro tăng mạnh” trong phiên ngày thứ Sáu, khi chứng khoán Mỹ lập kỷ lục. Theo nhà phân tích này, giá vàng có khả năng sẽ tiếp tục giằng co quanh mốc 1.800 USD/oz trước khi Fed họp xong.
Trao đổi với trang Kitco News, ông Chris Weston, trưởng bộ phận nghiên cứu của Pepperstone nói rằng một vấn đề quan trọng của giá vàng tuần tới là kim loại quý này liệu có giữ được vùng hỗ trợ 1.797-1.790 USD/oz.
“Có cảm giác như thị trường sẽ không phải đón nhận một tuyên bố gây sốc nào từ Fed”, ông Weston nhận định.
Lạm phát ở Mỹ đang cao hơn dự kiến, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi của tháng 6 tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng mối quan tâm lớn nhất của Fed lúc này vẫn là hỗ trợ sự hồi phục của thị trường việc làm. Trong cuộc họp tháng 6, ông Powell cũng nhắc lại cam kết rằng Fed sẽ “phát tín hiệu sớm” trước khi bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản hay tăng lãi suất.
“Nhưng cách sử dụng ngôn từ sẽ có ảnh hưởng không nhỏ. Chỉ một từ cũng có thể khiến thị trường biến động. Có vẻ ông Powell không muốn gây biến động trên thị trường, nhưng bất kỳ điều gì làm gia tăng kỳ vọng rằng Fed sẽ chính thức công bố cắt giảm chương trình mua tài sản vàng tháng 9 đều có thể khiến trái phiếu kho bạc Mỹ bị bán tháo, đẩy lợi suất tăng, thúc USD tăng giá, và gây áp lực giảm lên giá vàng”, ông Weston nói.
Diễn biến giá vàng từ thập niên 1920 đến nay – Nguồn: Trading View
Một vấn đề của giá vàng hiện nay là thiếu những động lực hỗ trợ mới có thể đẩy giá vượt xa mốc 1.800 USD/oz. Diễn biến của tuần này là một bằng chứng về điều đó, khi giá vàng không thể tăng khi chứng khoán Mỹ và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cùng giảm sâu vào đầu tuần.
“Giá vàng không tăng nổi ngay cả khi lãi suất thực giảm xuống và tâm lý lo ngại rủi ro gia tăng. Điều này cho thấy dòng vốn đầu cơ chảy vào vàng đang rất yếu. Điều này củng cố nguy cơ giảm sâu hơn của giá vàng”, chiến lược gia Daniel Ghali của TD Secutities phát biểu.
Ông Ghali cho biết thêm TD Securities đã triển khai chiến thuật bán khống các hợp đồng vàng giao sau, với kỳ vọng giá vàng sẽ trượt về 1.730 USD/oz.
Chuyên gia kim loại quý Everette Millman của Gainesville Coins cũng tỏ ra kém lạc quan về triển vọng của giá vàng trong ngắn hạn. “Giá vàng đang giằng co trong vùng hẹp. Tôi có bi quan đôi chút về giá vàng trong lúc này”, ông Millman nói và cho biết thêm các ngưỡng hỗ trợ của giá vàng đang yếu.
Chiến lược gia trưởng Bart Melek của TD Securities nói rằng sau khi không thể tăng khi chứng khoán Mỹ giảm, giá vàng có thể đối mặt rủi ro sụt giảm nếu chứng khoán tăng cao hơn.
“Thị trường chứng khoán đã hồi phục tất cả phần điểm bị mất. Lợi suất trái phiếu cũng tăng lên một chút. Đó là sự kết hợp để giá vàng điều chỉnh từ đây”, ông Melek phát biểu. “Chúng tôi thấy 1.730 USD/oz là một ngưỡng hỗ trợ, nhưng giá vàng sẽ không giảm ngay về ngưỡng này”./.