Giá vàng thế giới vừa hoàn tất tuần tăng thứ ba liên tiếp đồng thời lấy lại ngưỡng tâm lý quan trọng 1.800 USD/oz. Nhiều chuyên gia dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải duy trì lập trường chính sách tiền tệ mềm mỏng, và giá vàng vì thế có khả năng sẽ trở lại mốc 1.900 USD/oz trong thời gian không xa.
Ảnh minh hoạ – Nguồn: Getty/MarketWatch.
Chốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu (9/7) tại thị trường New York, giá vàng giao tháng 8 trên sàn COMEX tăng 10,4 USD/oz, tương đương tăng 0,6%, đạt 1.810,6 USD/oz. Giá vàng tăng 1,53% trong tuần này, hoàn thành chuỗi 3 tuần tăng liên tiếp và đánh dấu tuần tăng mạnh nhất trong 7 tuần.
Đồng USD giảm giá giúp giá vàng tăng phiên vừa qua, mặc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng trở lại và thị trường chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới.
Chỉ số Dollar Index đóng cửa phiên ngày thứ Sáu với mức giảm 0,2%, còn 92,1 điểm. Tính cả tuần, chỉ số giảm hơn 0,1%, dù có thời điểm vượt 92,7 điểm, cao nhất trong 3 tháng.
Ngoài đồng USD xuống giá, giá vàng tuần này được hỗ trợ nhiều bởi xu thế giảm của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Phiên ngày thứ Năm, có lúc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm còn 1,25%, mức thấp nhất kể từ tháng 2. Phiên ngày thứ Sáu, lợi suất của trái phiếu kỳ hạn này tăng lên mức 1,36%, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức 1,43% chốt tuần trước.
Sức ép nới lỏng chính sách tại các ngân hàng trung ương
Phiên điều trần về chính sách tiền tệ của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, diễn ra vào ngày thứ Tư (14/7), sẽ là sự kiện được các nhà đầu tư vàng quan tâm nhất trong tuần tới. Thị trường kỳ vọng trong cuộc điều trần này, người đứng đầu ngân hàng trung ương Mỹ sẽ nói rõ hơn về kế hoạch thu hẹp chương trình chi 120 tỷ USD mỗi tháng để mua vào trái phiếu.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng với sự phục hồi còn chưa đồng đều của thị trường việc làm Mỹ và sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Covid-19 Delta, sẽ không có chuyện Fed vội vã cắt giảm chương trình mua tài sản hay nâng lãi suất.
“Fed nhiều khả năng sẽ duy trì chính sách nới lỏng, nhất là trong lúc biến chủng Delta lây lan nhanh, sức ép lạm phát suy giảm (bao gồm việc giá gỗ ở Mỹ sụt giảm mạnh), và những dấu hiệu không mấy tích cực từ số liệu việc làm Mỹ, bao gồm tỷ lệ tham gia lực lượng lao động còn thấp”, chiến lược gia Bart Melek của TD Securities nhận định. “Không có lý do gì để cho rằng Fed sẽ trở nên quyết liệt trong vấn đề lãi suất”.
Không chỉ Fed mà nhiều ngân hàng trung ương khác cũng đối mặt sức ép phải giữ nguyên chính sách tiền tệ nới lỏng. Hôm thứ Sáu vừa rồi, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tuyên bố sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,5 điểm phần trăm cho hầu hết các ngân hàng thương mại, có hiệu lực từ ngày 15/7. Động thái này sẽ giải phóng hơn 154 tỷ USD thanh khoản dài hạn, tiếp sức cho sự phục hồi kinh tế đang có dấu hiệu chậm lại của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
“Tuần này, đã có nhiều mối lo nổi lên về tăng trưởng, khi biến chủng Delta lây lan nhanh ở một số quốc gia. Phần lớn của thế giới vẫn còn một quãng đường rất dài phải đi trước khi đại dịch có thể chấm dứt. Bởi vậy, chính sách tiền tệ nới lỏng vẫn sẽ phải duy trì trên phần lớn thế giới”, nhà phân tích Edward Moya của Oanda nói với Kitco News.
“Những báo cáo tuần tới có thể cho thấy giá cả dịu đi ở châu Âu và Mỹ. Điều đó sẽ giúp giá vàng mạnh lên. Vàng sẽ hưởng lợi từ việc chính sách tiền tệ của Fed nhiều khả năng tiếp tục nới lỏng”, ông Moya nói thêm.
Diễn biến giá vàng thế giới 1 năm qua – Nguồn: Trading View.
Mối lo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và chính sách tiếp tục nới lỏng của các ngân hàng trung ương là hai lý do chính ông Moya tin rằng giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
“Những lo ngại về tăng trưởng khiến một số ngân hàng trung ương phải từ bỏ ý định sớm thắt chặt chính sách. Họ trở nên thận trọng hơn. Sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc ủng hộ cho nhận định rằng chúng ta vẫn đang phải chiến đấu với đại dịch. Điều này sẽ thúc đẩy tâm lý ngại rủi ro, và khi đó, giá vàng sẽ phát huy hơn nữa vai trò kênh đầu tư an toàn”, ông Moya giải thích.
Đối với vàng, sự mềm mỏng của Fed đồng nghĩa với cơ hội quay trở lại mức giá 1.900 USD/oz trong vài tháng tới đây – ông Melek nói thêm.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, giá vàng nhiều khả năng sẽ giằng co trong vùng hẹp.
“Thực ra, nhà đầu tư đang phải đương đầu với nhiều thông tin, gồm khả năng Fed hành động, số ca nhiễm mới gia tăng, và sự dỡ bỏ hạn chế đi lại ở nhiều quốc gia… Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều bấp bênh về triển vọng kinh tế toàn cầu”, nhà phân tích kỹ thuật Pierre Veyret của ActiveTrades nhận định. “Tâm lý ‘chờ xem’ đang chiếm ưu thế và giá vàng có thể vượt kháng cự 1.814 USD/oz hoặc trượt về ngưỡng hỗ trợ 1.790 USD/oz để xác định một xu hướng rõ ràng hơn”.
Thị trường vàng châu Á trầm lắng
Nhu cầu vàng vật chất ở khu vực châu Á yếu đi trong tuần này, do người tiêu dùng ngần ngại khi giá tăng. Chênh lệch giá vàng trong nước-thế giới ở nhiều thị trường vì thế cũng giảm.
Tại Ấn Độ, giá vàng bán lẻ tuần này cao hơn 1,5 USD/oz so với giá chính thức (tính bằng giá vàng thế giới cộng thuế nhập khẩu 10,75% và thuế tiêu thụ 3%), từ chỗ chênh 3 USD/oz trong tuần trước.
Tại Trung Quốc, giá vàng bán lẻ tuần này cao hơn 1 USD/oz so với giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế, từ chỗ cao hơn 3-4 USD/oz trong tuần trước.
Tại Singapore, chênh lệch dao động từ 1,2-1,65 USD/oz, từ 1,1-1,8 USD/oz trong tuần trước. “Giá vàng tăng tuần này, nên chúng tôi thấy người bán nhiều hơn mua”, Giám đốc giao dịch Brian Lan của GoldSilver Central nói với hãng tin Reuters.
Tại Nhật Bản, giá vàng bán lẻ cao hơn 0,25-0,5 USD/oz so với giá vàng thế giới trong tuần này, so với mức chênh 0,5 USD/oz trong tuần trước./.