Do đồng USD tăng mạnh, giá vàng tuần này không thể tái lập mốc 1.800/oz như kỳ vọng. Nhiều nhà phân tích cho rằng trong tuần tới, vàng có khả năng bị bán tháo và có thể trượt về 1.670 USD/oz.
Ảnh Reuters.
Giá vàng thế giới tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (20/8) do tiếp tục đương đầu với áp lực giảm từ đồng USD mạnh. Lúc đóng cửa, giá vàng giao sau trên sàn COMEX ở New York tăng 0,1%, đạt 1.784 USD/oz. Giá vàng giao ngay tăng 0,3 USD/oz, chốt ở 1.781,7 USD/oz. Tính cả tuần, giá vàng giao ngay tăng 1 USD/oz.
Trong tuần trước, giá vàng đã phục hồi rất nhanh khi bật dậy khỏi mức đáy dưới 1.700 USD/oz vào đầu tuần, tăng về vùng 1.780 USD/oz. Dù vậy, mức độ quan tâm của nhà đầu tư đối với vàng không đủ lớn để đưa giá vàng tăng cao hơn trong tuần này.
Xu thế giằng co của giá vàng trong tuần này là kết quả của những yếu tố trái chiều. Một mặt, giá vàng chịu áp lực giảm từ đồng USD mạnh và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp thắt chặt chính sách. Nhưng mặt khác, giá kim loại quý này được hỗ trợ bởi nhu cầu phòng ngừa rủi ro khi số ca nhiễm mới Covid-19 tăng mạnh ở nhiều nơi do biến chủng Delta, đặt ra nguy cơ đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
“Thị trường vàng đang chịu sự tác động trái chiều ở thời điểm này. Đồng USD tương đối mạnh do kỳ vọng Fed sẽ tiến tới cắt giảm chương trình mua tài sản, dựa trên những phát biểu gần đây của các quan chức Fed”, Giám đốc giao dịch kim loại David Meger của High Ridge Futures nói với hãng tin CNBC.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh USD chốt tuần ở mức gần 93,5 điểm, từ mức đỉnh của 9 tháng rưỡi là 93,6 điểm thiết lập trong phiên trước. Cả tuần, chỉ số tăng hơn 1%.
“Nhưng mặt khác, chúng tôi vẫn tin rằng có một sự hỗ trợ bên dưới thị trường vàng hiện nay. Đó là bởi biến chủng Delta bắt đầu gây một số trở ngại đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu”, ông Meger nói.
Nhận định về triển vọng giá vàng tuần tới, chiến lược gia Daniel Pavilonis của RJO Futures nói với Kitco News: “Sẽ có thêm áp lực giảm đối với vàng. Kim loại quý này đang nằm trên một đường xu hướng giảm. Vấn đề là giá bạc đang rất yếu và tôi cho rằng giá vàng sẽ sớm đi theo giá bạc. Một đợt giảm mới có thể đưa giá vàng tụt xuống 1.670 USD/oz”.
Tuần tới, sự chú ý của các nhà đầu tư sẽ đổ dồn vào hội nghị thường niên của Fed ở Jackson Hole, Wyoming. Thị trường kỳ vọng tại sự kiện này, Fed sẽ đưa ra thêm chi tiết về định hướng chính sách tiền tệ, đặc biệt là những tín hiệu về thời điểm bắt đầu và tốc độ dự kiến của việc cắt giảm chương trình mua tài sản.
“Chủ đề của hội nghị này là ‘Chính sách kinh tế vĩ mô trong một nền kinh tế không đồng đều’, nhưng tâm điểm chú ý của thị trường sẽ là các cuộc thảo luận về việc Fed tiến tới cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng”, chuyên gia kinh tế trưởng James Knightley của ING nhận định.
“Trong biên bản cuộc họp tháng 7, Fed đã nói về cắt giảm việc mua tài sản. Việc này có thể dẫn tới bán tháo vàng trước hội nghị Jackson Hole vào tuần tới. Hội nghị này cũng có thể gây trở ngại đối với cả thị trường chứng khoán nữa”, ông Knightley nói với Kitco News.
Tuy Fed tiến tới thắt chặt chính sách, giới phân tích không cho rằng Fed sẽ tiến hành với tốc độ nhanh, bởi biến chủng Delta của Covid-19 đang đặt ra nguy cơ mới đối với tiến trình phục hồi của nền kinh tế Mỹ.
“Biến chủng Delta khiến dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn. Australia lại đóng cửa. Ở Bắc Mỹ, mùa đông lạnh giá còn chưa đến”, ông Pavilonis nhấn mạnh. “Nhưng nếu dữ liệu kinh tế vĩ mô tiếp tục cho thấy thị trường việc làm khởi sắc, tôi cho rằng Fed sẽ dần rút lại chính sách siêu nới lỏng hiện nay. Điều đó sẽ khiến đồng USD mạnh lên, có thể khiến vàng tụt giá”.
Chiến lược gia Bart Melek của TD Securities nói rằng hiện Fed đang ưu tiên sứ mệnh tạo công ăn việc làm thay vì sứ mệnh chống lạm phát, nên sẽ không có chuyện Fed thắt chặt với tốc độ nhanh chóng. Thay vào đó, Fed sẽ tạm gác lại vấn đề lạm phát cao và tiếp tục sự nới lỏng ở mức độ nhất định để hỗ trợ tạo công ăn việc làm.
“Họ có thể cắt giảm chương trình mua tài sản, nhưng chính sách tiền tệ nới lỏng vẫn sẽ duy trì thêm một thời gian nữa, cho dù lạm phát vượt xa mục tiêu của Fed. Fed sẽ lập luận rằng sứ mệnh tạo đủ việc làm còn chưa hoàn thành, nên chừng nào lạm phát không tăng quá mạnh, Fed sẽ để lãi suất ở mức thấp. Điều này sẽ có lợi cho giá vàng sang năm 2022”, ông Melek nói.
Diễn biến giá vàng thế giới từ đầu năm đến nay.
Mốc 1.800 USD/oz vẫn sẽ là một ngưỡng kháng cự mạnh của giá vàng trong tuần tới. Nếu chưa tái lập được mốc này, giá vàng sẽ khó bứt phá – ông Pavilonis nhận định.
“Vàng cần lấy lại được mốc 1.800 USD/oz để xoay chuyển tình thế. Nếu không làm được, giá vàng có thể tụt về 1.670 USD/oz. Khi đó, mọi đặt cược vào sự tăng giá của vàng sẽ bị rút lại. Đó sẽ là một bước ngoặt”, ông Pavilonis nói.
Sau khi khởi sắc trong tuần trước, nhu cầu vàng vật chất tại các thị trường châu chủ chốt ở Á lại yếu đi trong tuần này, hãng tin Reuters cho hay.
Tại Trung Quốc, giá vàng bán lẻ trong tuần cao hơn 3-6 USD/oz so với giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế, so với mức chênh cao hơn 5-10/oz trong tuần trước – mức chênh cao nhất kể từ đầu tháng 6.
Ông Joseph Stefans, trưởng bộ phận giao dịch của MKS, nói rằng “thị trường vàng vật chất ở châu Á đặc biệt im ắng trong tuần này”. “Hồng Kông và Singapore là hai thị trường cực kỳ trầm lắng trong những tháng mùa hè năm nay”, ông nói thêm.
Tại Hồng Kông, chênh lệch cao hơn so với giá vàng quốc tế giảm còn 0,5-1 USD/oz trong tuần này, từ mức 0,8-1,8 USD/oz trong tuần trước. Tại Singapore, mức chênh là 1,6 USD/oz.
Tại Ấn Độ, giá vàng bán lẻ trong tuần cao hơn 3 USD/oz so với giá chính thức (tính bằng giá vàng quốc tế cộng thuế nhập khẩu 10,75% và thuế tiêu thụ 3%), so với mức chênh 5 USD/oz trong tuần trước.
Tại Nhật Bản, giá vàng bán lẻ cao hơn 0,4-0,5 USD/oz so với giá thế giới./.