Tin mới nhất
Home / Thị trường vàng / Văn phòng Hiệp hội xin gửi tới quý độc giả bài viết về diễn biến giá vàng trong nước và quốc tế tuần này và dự báo xu hướng giá vàng quốc tế tuần tới: Sẽ có một cú tăng mạnh?

Văn phòng Hiệp hội xin gửi tới quý độc giả bài viết về diễn biến giá vàng trong nước và quốc tế tuần này và dự báo xu hướng giá vàng quốc tế tuần tới: Sẽ có một cú tăng mạnh?

Giá vàng có thể đang bước vào một đợt tăng mới, vượt qua những ngưỡng kháng cự chủ chốt và tiến tới mốc 1.800 USD/oz.

Tuần này, giá vàng hoàn tất tuần tăng thứ hai liên tiếp nhờ đồng USD suy yếu và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống.

Ảnh minh họa.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu tại New York, giá vàng giao ngay tăng 12,9 USD/oz, tương đương tăng hơn 0,7%, chốt ở 1.777,5 USD/oz. Đây là mức giá cao nhất của vàng trong 7 tuần trở lại đây. Tính cả tuần, giá vàng tăng khoảng 2% – mức tăng mạnh nhất trong 1 tuần kể từ giữa tháng 12.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD chốt tuần ở mức 91,5 điểm, giảm gần 0,7% trong tuần. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm còn 1,59%, thấp nhất 1 tháng, từ mức 1,655% vào đầu tuần.

“Môi trường vĩ mô đối với vàng đã cải thiện. Giá vàng đang ở vào vị thế có thể tăng lên mức 1.800 USD/oz”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya thuộc Oanda phát biểu trên trang MarketWatch. “Thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư đã bán mạnh vàng, nên giá vàng ở thời điểm hiện tại có cơ sở để tiếp tục hồi mạnh”.

Nhà phân tích Han Tan thuộc FXTM Market thì nhấn mạnh rằng việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm dưới ngưỡng chủ chốt 1,6% “cho phép giá vàng vượt qua ngưỡng bình quân 50 ngày lần đầu tiên kể từ đầu tháng 2”.

Trên thị trường vàng vật chất, Trung Quốc – nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới – đã cho phép các ngân hàng trong và ngoài nước nhập khẩu một khối lượng vàng lớn, nguồn thạo tin cho hay. Động thái này của Trung Quốc có thể đẩy giá vàng tăng.

“Diễn biến giá vàng đang chịu sự chi phối chủ yếu của USD, đồng tiền đang tiếp tục mất giá. Chỉ số Dollar Index hiện chỉ còn 91,5 điểm. Một yếu tố nữa rất đáng lưu tâm là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm. Tất cả đều hỗ trợ cho giá vàng tăng”, chiến lược gia Bart Melek của TD Securities nói với trang Kitco News.

Nhà môi giới Daniel Pavilonis của RJO Futures cũng đồng quan điểm lạc quan về triển vọng giá vàng tuần tới.

“Nếu vượt được mức 1.815 USD/oz trong tuần tới, giá vàng sẽ có đà để tăng cao hơn”, ông Pavilonis nói. “Thị trường đã bình tĩnh lại một chút. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã rất cố gắng giảm căng thẳng về lợi suất, và họ đã thành công. Khi thị trường bớt lo về lợi suất, cánh cửa tăng giá cho vàng được mở ra”.

Nhà phân tích Han Tan của FXTM cũng cho rằng sự suy yếu của đồng USD cuối cùng đã giúp vàng bứt phá khỏi một vùng biên độ hẹp. “Tiếp đó, khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm trượt dưới ngưỡng tâm lý quan trọng 1,6%, giá vàng lập tức vượt qua ngưỡng bình quân 50 ngày lần đầu tiên kể từ tháng 2”, ông Tan phát biểu.

Tuần tới không có lịch phát biểu của quan chức Fed nào, và cũng không có nhiều dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ được công bố. Điều này có thể đồng nghĩa với đồng USD giảm giá sâu hơn, theo đó làm lợi cho giá vàng.

Chiến lược gia Charlie Nedoss của LaSalle Futures Group cho rằng không có sự kháng cự quan trọng nào với giá vàng cho tới mốc 1.800 USD/oz. “Mốc 1.809,4 USD/oz là mức bình quân 100 ngày, và theo thời gian, chúng ta sẽ đạt được mốc này”.

Tuy nhiên, ông Melek cũng cảnh báo rằng còn quá sớm để quá hưng phấn về diễn biến sắp tới của giá vàng. Theo vị chiến lược gia này, để giá vàng tăng cao hơn nữa, cần có một sự xác nhận rằng xu hướng tăng từ đầu năm của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã được kiểm soát.

“Trận chiến lớn ở đây là cuộc chiến giữa Fed và thị trường. Fed nói bất kỳ sự trỗi dậy nào của lạm phát cũng chỉ là tạm thời, trong khi thị trường có thể bắt đầu lo ngại rằng Fed nói không đúng. Chúng tôi vẫn đang đợi một tuyên bố của Fed nói rằng Fed sẽ giữ vững lập trường chính sách tiền tệ hiện nay”, ông Melek nói.

Nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Reuters rằng Trung Quốc đã cho phép các ngân hàng trong nước và nước ngoài nhập khẩu khoảng 150 tấn vàng, trị giá 8,5 tỷ USD. Số vàng này có thể được cập bến tại Trung Quốc trong tháng 4 và tháng 5.

Khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh trong nửa cuối của năm ngoái và quý 1 năm nay, nhu cầu nữ trang, vàng thỏi và tiền xu vàng ở nước này tăng mạnh theo, đưa giá vàng trong nước ở Trung Quốc gần đây lên cao hơn so với giá vàng quốc tế, từ chỗ thấp hơn trong phần lớn thời gian của năm ngoái.

Giá vàng bán lẻ ở Trung Quốc hiện cao hơn 7-9 USD/oz so với giá vàng quốc tế, và chênh lệch này có thể tăng thêm nếu Chính phủ Trung Quốc không cho phép nhập khẩu vàng.

Số vàng mà Trung Quốc nhập khẩu đợt này theo tiết lộ của nguồn thạo tin cho thấy Trung Quốc đang có sự trở lại mạnh mẽ trên thị trường vàng quốc tế. Từ tháng 2/2020 tới nay, nước này chỉ nhập khẩu bình quân khoảng 10 tấn vàng, trị giá 600 triệu USD, mỗi tháng. Trong năm 2019, Trung Quốc chi bình quân mỗi tháng 3,5 tỷ USD cho nhập khẩu vàng, tương đương khoảng 75 tấn.

Nhu cầu vàng của Ấn Độ cũng đã bật tăng sau thời kỳ sụt giảm vì đại dịch. Trong tháng 3, nước này nhập khẩu kỷ lục 160 tấn vàng –  nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters mới đây.

Trung Quốc và Ấn Độ thường chiếm khoảng 2/3 nhu cầu vàng của thế giới hàng năm./.

About vgta

Check Also

BẢN TIN VÀNG SỐ 34/2023: Giá vàng tuần tới Liệu Fed có phá được thế “mắc kẹt” của vàng

Giá vàng thế giới đang “mắc kẹt” trong một phạm vi hẹp, không rõ xu ...

BẢN TIN VÀNG SỐ 33/2023: Giá vàng tuần này: Áp lực từ đồng USD còn lớn

Hoạt động mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ tỷ ...

BẢN TIN VÀNG SỐ 32/2023: Giá vàng tuần này: Kháng cự đang mạnh, bứt phá khó xảy ra?

Giá vàng thế giới có vẻ như đã vấp phải kháng cự mạnh vào cuối ...