Giá vàng đã tăng trong tuần này nhờ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tái khẳng định lập trường chính sách tiền tệ mềm mỏng và nhờ đồng USD giảm giá. Tuy nhiên, đà tăng có thể duy trì trong tuần tới hay không sẽ tuỳ thuộc nhiều vào báo cáo thị trường việc làm Mỹ tháng 7.
Ảnh minh hoạ – Ảnh: Bloomberg.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (30/7) tại thị trường New York, giá vàng giảm khá mạnh sau khi đạt đỉnh 6 tuần trong phiên trước đó. Đồng USD hồi phục khiến giá vàng không giữ xu thế tăng. Lúc đóng cửa, giá vàng giao ngay giảm 14,1 USD/oz, tương đương giảm 0,8%, còn 1.814,8 USD/oz. Giá vàng giao sau sụt 1%, còn 1.817,2 USD/oz.
Chính sách của Fed vẫn hỗ trợ giá vàng
Hôm thứ Năm, giá vàng đạt mức cao nhất kể từ trung tuần tháng 6, sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng Fed muốn thị trường việc làm ở Mỹ phục hồi hoàn toàn rồi mới bắt đầu rút lại các chính sách hỗ trợ. Đồng USD suy yếu sau tuyên bố của ông Powell cũng hỗ trợ cho giá vàng.
Trong phiên ngày thứ Sáu, đồng USD hồi phục, khiến sức ép giảm giá đối với kim loại quý xuất hiện trở lại. Chỉ số Dollar Index chốt phiên với mức tăng gần 0,3%, đạt gần 92,1 điểm, từ mức dưới 92 điểm trong phiên trước đó.
Ngoài đồng USD tăng giá, chiến lược gia trưởng Bob Haberkonr của RJO Futures nói với hãng tin CNBC rằng số liệu lạm phát thấp hơn kỳ vọng công bố vào ngày thứ Sáu cũng khiến vàng giảm giá, bởi vàng là kênh đầu tư chống lạm phát hàng đầu. Chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi – một thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng – tăng 3,5% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn dự báo tăng 3,6% mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Tuy nhiên, Dollar Index vẫn giảm gần 0,9% trong tuần này, giúp giá vàng tăng khoảng 0,8% trong cả tuần.
“Vàng đang vững giá ở vùng hiện tại, vì Fed không đả động gì để chuyện cắt giảm chương trình mua tài sản hay nâng lãi suất. Thái độ này của Fed bổ sung thêm sức mạnh cho thị trường”, ông Haberkorn phát biểu.
“Rủi ro lớn nhất đối với giá vàng là Fed cắt giảm chương trình mua tài sản hay nâng lãi suất sớm hơn dự báo. Nhưng quyết định mà Fed đưa ra tuần này củng cố quan điểm rằng Fed chưa hài lòng với sự phục hồi của thị trường việc làm”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya thuộc Oanda phát biểu. Theo ông Moya, điều đó có nghĩa là lãi suất sẽ duy trì ở mức thấp thêm một thời gian nữa, và giá vàng sẽ hưởng lợi.
Chiến lược gia Bart Melek của TD Securities đồng tình với quan điểm này. “Hiện tại, chưa có một khung thời gian dự kiến nào để Fed cắt giảm chương trình mua tài sản… Lãi suất vẫn sẽ ở mức thấp kỷ lục, hỗ trợ cho giá vàng”, ông Melek nói.
Dù vậy, theo chiến lược gia này, để giá vàng bứt phá, “thị trường cần một dạng khẳng định rằng Fed sẵn sàng hy sinh sự ổn định giá cả để đổi lấy sự phục hồi hoàn toàn của thị trường việc làm”.
Ông Melek nói rằng giá vàng đã vượt ngưỡng bình quân 50 ngày, nên có khả năng chinh phục ngưỡng 1.852 USD/oz trong tuần tới. “Mốc giá này có thể đạt được nếu các dữ liệu vĩ mô trong tuần tới không được tốt”, ông nói.
Về mặt kỹ thuật, theo ông Moya, để tăng trong tuần tới, giá vàng cần phá mốc kháng cự 1.838 USD/oz. “Vượt được mốc này, giá vàng có thể lên 1.850 USD/oz. Việc đóng cửa trên 1.850 USD/oz sẽ mở đường cho lực mua kỹ thuật lớn hơn, và vùng kháng cự tiếp theo sẽ là 1.860-1.870 USD/oz”.
Diễn biến giá vàng thế giới 5 năm qua – Nguồn: Trading View.
Nhưng không phải chuyên gia nào cũng lạc quan về triển vọng của giá vàng trong ngắn hạn. Ông Jeffrey Christian, nhà quản lý quỹ thuộc CPM Group, dự báo trong tháng 8, giá vàng sẽ trượt dần dưới mốc 1.770 USD/oz.
“Đã có rất nhiều nhà đầu tư mới rót vốn vào vàng sau khi giá vàng tăng vọt vào tháng 8 năm ngoái. Đến nay, giá vàng vẫn chưa lập lại được mức đỉnh cũ đó, nên nhiều nhà đầu tư muốn chuyển vốn sang những tài sản khác”, ông Christian nhận định.
“Ẩn số” báo cáo việc làm
Dù gì, giá vàng tuần tới sẽ được quyết định phần nhiều bởi báo cáo việc làm tháng 7 do Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu. Thị trường dự báo khu vực phi nông nghiệp của Mỹ có 900.000 việc làm mới trong tháng 7 và tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 5,7%.
“Sự phục hồi của thị trường việc làm sẽ giữ vai trò quyết định. Nếu báo cáo việc làm gây ngạc nhiên tích cực, thì khả năng Fed sớm cắt giảm chương trình mua tài sản sẽ gia tăng”, ông Moya giải thích. Giả sử, Mỹ có thêm 1 triệu việc làm mới trong tháng 7, thì đó sẽ là một tin xấu đối với giá vàng.
Ngược lại, nếu báo cáo việc làm gây thất vọng, giá vàng có thể dễ dàng tăng lên 1.852 USD/oz – theo ông Melek.
Thị trường vàng vật chất tại châu Á trong tuần này trầm lắng. Giá vàng tăng lên khiến nhu cầu mua vàng ở Ấn Độ yếu đi. Ở Trung Quốc, nhu cầu mua vàng phòng ngừa rủi ro xuất hiện, nhưng doanh số nữ trang rất ảm đạm – hãng tin Reuters cho hay.
Giá vàng bán lẻ ở Ấn Độ trong tuần thấp hơn 4 USD/oz so với giá vàng chính thức (tính bằng giá vàng quốc tế cộng 10,75% thuế nhập khẩu và 3% thuế tiêu thụ), từ chỗ thấp hơn 4 USD/oz trong tuần trước. Tuy nhiên, nhu cầu vàng ở Ấn Độ được Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) dự báo sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm nhờ mùa lễ hội và cưới hỏi sôi động trong quý 4.
Giá vàng bán lẻ Trung Quốc tuần này cao hơn 1-4 USD/oz so với giá vàng quốc tế, từ chỗ cao hơn 1-3 USD/oz trong tuần trước.
Ở Hồng Kông, giá vàng bán lẻ cao hơn 0,8-1,8 USD/oz so với giá quốc tế, từ chỗ cao hơn 0,5-1,7 USD/oz trong tuần trước. Tại Singapore, giá vàng bán lẻ cao hơn 1,2-1,5 USD/oz so với giá thế giới, từ chỗ cao hơn 1,5-2 USD/oz trong tuần trước./.