Tin mới nhất
Home / Thị trường vàng / Văn phòng Hiệp hội xin gửi tới quý độc giả bài viết về diễn biến giá vàng trong nước và quốc tế tuần này và dự báo xu hướng giá vàng quốc tế tuần tới: Xung lực tăng đang trở lại, giá vàng có thể bứt phá trong tuần tới

Văn phòng Hiệp hội xin gửi tới quý độc giả bài viết về diễn biến giá vàng trong nước và quốc tế tuần này và dự báo xu hướng giá vàng quốc tế tuần tới: Xung lực tăng đang trở lại, giá vàng có thể bứt phá trong tuần tới

Sau khi giảm chóng mặt trong tháng 6, giá vàng những phiên gần đây chuyển sang trạng thái hồi phục. Giới phân tích cho rằng biên bản cuộc họp gần nhất mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể ẩn chứa những bất ngờ giúp giá vàng bứt phá qua ngưỡng 1.800 USD/oz.

Chốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu (2/7) tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 10,6 USD/oz, tương đương tăng 0,6%, chốt ở 1.788,3 USD/oz.


Ảnh minh hoạ – Ảnh: Bloomberg.

Giá vàng tăng nhờ tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cùng đi xuống sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 6. Bản báo cáo cho thấy khu vực phi nông nghiệp của Mỹ có thêm 850.000 công việc mới trong tháng 6, một con số vượt dự báo trước đó của giới phân tích. Tuy nhiên, tổng số việc làm trong khu vực phi nông nghiệp vẫn ít hơn 6,8 triệu công việc so với mức đỉnh hồi tháng 2/2020. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 5,9% từ mức 5,8% của tháng 5 do có thêm người gia nhập lực lượng lao động.
Theo các nhà phân tích, số liệu này là một dấu hiệu cho thấy tình trạng thiếu lao động trong nền kinh tế Mỹ bắt đầu dịu đi, nhưng chưa đủ để dẫn tới việc Fed phải sớm cắt giảm chương trình mua tài sản và bắt đầu nâng lãi suất.
“Ẩn số” biên bản cuộc họp Fed
“Có 850.000 công việc mới trong nền kinh tế trong tháng 6, nhưng tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 5,9%. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động vẫn còn yếu, đồng nghĩa Fed chưa có động lực để sớm thắt chạt chính sách tiền tệ. Điều này tốt cho giá vàng”, chiến lược gia Bart Melek của TD Securities phát biểu. “Tốc độ tăng của tiền lương cũng đang chậm lại, đồng nghĩa với lạm phát có thể chỉ là tạm thời và không có lý do lớn nào để Fed sớm tăng lãi suất cả”.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm về ngưỡng 1,43%. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD giảm gần 0,4% từ mức đỉnh của 3 tháng thiết lập trong phiên trước đó, về 92,24 điểm.
Cả tuần, giá vàng thế giới tăng 0,3%, Dollar Index tăng 0,43%. Đến phiên ngày thứ Sáu, vàng đã tăng giá liên 3 phiên, đánh dấu chuỗi tăng giá dài nhất của kim loại quý này trong 5 tuần. Vào đầu tuần, có lúc giá vàng tụt xuống mức thấp nhất trong 2 tháng do đồng USD mạnh lên và nỗi lo của giới đầu tư về việc Fed có thể thắt chặt chính sách sớm hơn dự báo.
Đối với các nhà đầu tư vàng quốc tế, một trong những thông tin được chờ đợi nhất trong tuần tới là biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 6 của Fed.
Sau cuộc họp diễn ra vào trung tuần tháng 6, Fed tuyên bố có thể bắt đầu nâng lãi suất trở lại vào năm 2023, thay vì từ năm 2024 như dự kiến trước đó. Tuyên bố của Fed đã gây ra một cuộc bán tháo trên thị trường vàng trong tháng 6.
Gần đây, giá vàng đã hồi phục nhưng chưa lấy lại được mốc giá 1.800 USD/oz chứ đừng nói gì đến mốc 1.900 USD/oz như trước khi Fed họp. Bởi vậy, thị trường rất quan tâm đến toàn bộ nội dung cuộc họp tháng 6 của Fed, mà nội dung này sẽ được tường thuật lại đầy đủ trong biên bản của cuộc họp.
“Thị trường đang kỳ vọng Fed nghiêng về cứng rắn. Bởi vậy, bất cứ điều gì cho thấy không có sự cứng rắn, hoặc sự cứng rắn ít hơn so với những gì thị trường đã phản ánh vào giá vàng, đều có thể mở đường cho một cuộc tăng giá mạnh”, ông Melek nhận định.
Điều khiến nhà đầu tư quan tâm hơn cả là liệu những phát biểu cứng rắn mà một số thành viên của Fed đưa ra trong mấy tuần qua có đồng nhất với những gì được ghi lại trong biên bản của cuộc họp hay không.
“Biên bản cuộc họp của Fed sẽ rất thú vị nếu nội dung trong đó xung đột với những gì mà chúng ta nghe được từ Fed cho tới hiện tại, nhất là từ những thành viên có quan điểm cứng rắn hơn của Fed”, chuyên gia kim loại quý Everett Millman thuộc Gainesville Coins phát biểu.
Nhân tố giá dầu và Covid-19
Một nhân tố nữa cần theo dõi là diễn biến giá dầu, theo ông Millman – người cho rằng bất kỳ bước tăng thêm nào của giá dầu cũng sẽ làm lợi cho giá vàng.
“Tôi quan tâm đến những gì diễn ra trong cuộc họp của liên minh OPEC+. Giá dầu có thể ảnh hưởng lớn đến lạm phát, mà nỗi lo lạm phát vẫn đang là một trong những động lực quan trọng cho giá vàng”, ông Millman nói. “Nếu họ đạt một thoả thuận hạn chế sản lượng, giá dầu sẽ được đẩy lên cao hơn”.
Giá dầu tăng thêm sẽ khiến lạm phát tăng, và giá vàng sẽ hưởng lợi – ông Millman giải thích. “Câu chuyện của Nga cũng thú vị không kém. Nga là một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào giá dầu và đã một thời gian nước nay không gom vàng dự trữ. Nếu giá dầu tăng, ngân khố của Nga sẽ dư dả hơn và họ có thể bắt đầu mua vàng trở lại”.


Diễn biến giá vàng thế giới 1 tháng qua. Đơn vị: USD/oz – Nguồn: Trading View.

Một mối quan tâm khác đối với giới đầu tư vàng ở thời điểm này là diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 ở nhiều quốc gia. Một số nước châu Á và châu Âu phải lùi kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế, thậm chí áp lệnh phong toả mới, vì biến chủng Delta khiến số ca nhiễm tăng mạnh.
Chiến lược gia Bart Melek của TD Securities nói rằng sự dai dẳng của Covid, cùng với tỷ lệ tiêm chủng còn thấp ở một số khu vực của Mỹ, có thể khiến giới đầu tư tin rằng Fed sẽ thận trọng trong việc thắt chặt. Sự thận trọng như vậy sẽ hỗ trợ giá vàng trong dài hạn.
Nhu cầu vàng ở Ấn Độ đang hồi phục
Giá bán lẻ vàng ở Ấn Độ trong tuần này cao hơn giá chính thức lần đầu tiên trong hơn hai tháng, do nhu cầu khởi sắc. Người dân đi mua vàng nhiều hơn khi các hạn chế chống Covid-19 được nới lỏng một chút. Giới giao dịch vàng nói rằng nhu cầu vàng đang hồi phục chậm, chủ yếu nhờ lực mua trang sức chuẩn bị cho mùa cưới sắp đến.
So với giá vàng chính thức (tính bằng giá thế giới cộng thuế nhập khẩu 10,75% và thuế tiêu thụ 3%), giá vàng bán lẻ ở Ấn Độ tuần này cao hơn 3 USD/oz, từ chỗ thấp hơn 12 USD/oz trong tuần trước.
Tại Trung Quốc, nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, giá vàng bán lẻ tuần này cao hơn 3-4 USD/oz so với giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế, từ chỗ cao hơn 3-6 USD/oz trong tuần trước.
Tại Singapore, giá vàng bán lẻ tuần này cao hơn 1,1-1,8 USD/oz so với giá quốc tế. Tại Hồng Kông, giá vàng bán lẻ cao hơn 1 USD/oz so với giá thế giới, từ chỗ cao hơn 0,7-1 USD/oz trong tuần tới.
Thị trường Nhật Bản tiếp tục chứng kiến sự trầm lắng của nhu cầu vàng vật chất, với giá vàng bán lẻ trong tuần cao hơn 0,5 USD/oz so với giá quốc tế./.

About vgta

Check Also

Giá vàng hôm nay 04/12/2023: tăng mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần

Giá vàng hôm nay 04/12/2023, thị trường trong nước ngày đầu tuần tương đối ổn ...

Giá vàng hôm nay 03/12/2023: tăng hay giảm trong tuần tới?

Giá vàng hôm nay 03/12/2023, thị trường trong nước hôm nay vẫn đang duy trì ...

Giá vàng hôm nay 02/12/2023: thị trường trong nước và thế giới tiếp tục tăng

Giá vàng hôm nay 02/12/2023, thị trường trong và thế giới tiếp tục tăng sau ...