Tin mới nhất
Home / Thị trường vàng / Văn phòng Hiệp hội xin gửi tới quý độc giả bài viết về diễn biến giá vàng trong nước và quốc tế tuần này và dự báo xu hướng giá vàng quốc tế tuần tới: Cơ hội lớn để phá cản 1.850 USD/oz

Văn phòng Hiệp hội xin gửi tới quý độc giả bài viết về diễn biến giá vàng trong nước và quốc tế tuần này và dự báo xu hướng giá vàng quốc tế tuần tới: Cơ hội lớn để phá cản 1.850 USD/oz

Dù gặp một số trở ngại trong tuần này, giá vàng cuối cùng đã hoàn tất tuần tăng thứ hai liên tiếp. Tuần tới, việc chinh phục mốc 1.850 USD/oz sẽ quyết định khả năng tăng giá cao hơn của kim loại quý này.

Ảnh minh hoạ – Ảnh: Bloomberg.

Giới phân tích đang theo dõi chặt chẽ mốc 1.850 USD/oz, trong bối cảnh lạm phát ở Mỹ tăng nhiệt mà Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vẫn giữ quan điểm kiên nhẫn và duy trì lập trường chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo.

Lợi thế kép của vàng

Một số chuyên gia nói rằng giá vàng đang ở vị thế thuận lợi vì nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm một kênh đầu tư chống lạm phát. Mối quan tâm đối với vàng gia tăng mạnh sau khi báo cáo do Bộ Lao động Mỹ công bố hôm thứ Tư cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của nước này tăng mạnh nhất 13 năm. Tiếp đó, số liệu công bố ngày thứ Năm cho thấy chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tăng 6,2%, mức tăng mạnh chưa từng thấy.

Tuy áp lực lạm phát ngày càng lớn, các quan chức Fed vẫn duy trì quan điểm cho rằng lạm phát tăng chỉ là tạm thời, và hứa sẽ giữ lãi suất ở mức gần 0 cho tới khi nền kinh tế đạt tới trạng thái toàn dụng lao động.

“Fed sẽ không làm chệch hướng phục hồi kinh tế bằng cách nâng lãi suất”, nhà phân tích Rhona O’Connell của StoneX nói với hãng tin Reuters. “Có quá nhiều rủi ro trong việc bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản và tăng lãi suất, vì nền kinh tế chưa đủ mạnh lúc này. Chúng ta còn nhiều vấn đề toàn cầu, đặc biệt là đại dịch còn phức tạp ở Brazil và Ấn Độ”.

Giá vàng giao ngay tại thị trường New York đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu với mức tăng 17,4 USD/oz, tương đương tăng gần 1%, chốt ở 1.844,9 USD/oz.  Tính cả tuần, giá vàng tăng 0,7%, đánh dấu tuần tăng thứ hai liên tiếp.

Sự kết hợp giữa lạm phát tăng nhiệt và môi trường lãi suất thấp tạo ra lợi thế kép cho giá vàng.

“Ngoại trừ một số điều chỉnh trong ngắn hạn của giá vàng, lập trường mềm mỏng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và kỳ vọng lạm phát tăng sẽ giữ cho giá vàng nghiêng về khả năng năng trong thời gian còn lại của năm”, nhà phân tích Suki Cooper của Standard Chartered nhận định.

Vàng tăng giá mạnh phiên cuối tuần nhờ tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cùng giảm, sau khi thống kê cho thấy doanh thu bán lẻ Mỹ bất ngờ chững lại trong tháng 4. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chốt tuần ở mức 1,635%, giảm 33 điểm cơ bản so với phiên trước. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD giảm 0,5%, còn 90,3 điểm.

“Số liệu bán lẻ gây thất vọng cũng mở ra cánh cửa cho giá vàng tiến tới chinh phục ngưỡng cản quan trọng tiếp theo là 1.850 USD/oz”, ông Cooper nói thêm.

Theo báo cáo ngày 14/5 của Bộ Thương mại Mỹ, doanh thu bán lẻ ở nước này đi ngang trong tháng 4, so với dự báo tăng 0,8% và mức tăng 9,8% ghi nhận trong tháng 3.

Sau mốc 1.850 USD/oz sẽ là 1.900 USD/oz

Chiến lược gia Bart Melek của TD Securities thuộc phe có quan điểm cho rằng lạm phát chỉ là tạm thời, đồng quan điểm với Fed. Ông giải thích rằng giá nguyên vật liệu thô đang leo thang liên tục, nhưng nền kinh tế toàn cầu có khả năng để hấp thụ tốt siêu chu kỳ giá lên này. “Chúng tôi cho rằng Fed cảm thấy hoàn toàn thoải mái với những con số lạm phát mới nhất”, ông Melek nói.

Trên cơ sở này, ông Melek cho rằng việc giá vàng phá mốc 1.850 USD/oz chỉ là vấn đề thời gian. Tiếp đó, mục tiêu tiếp theo của giá vàng sẽ là 1.900 USD/oz.

Biểu đồ giá vàng thế giới 1 năm qua – Nguồn: Trading View.

Sáng thứ Bảy (15/5), Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 55,9 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,3 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 55,92 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,37 triệu đồng/lượng (bán ra).

Tính cả tuần, giá vàng miếng tăng 250.000 đồng/lượng.

Thị trường vàng ở châu Á ảm đạm trong tuần này do làn sóng Covid-19 tiếp tục hoành hành ở Ấn Độ và dịch bùng phát ở một số quốc gia khác trong khu vực.

Từ chỗ cao hơn giá vàng chính thức, giá vàng bán lẻ ở Ấn Độ từ tuần trước đã chuyển sang thấp hơn giá chính thức. Mức chênh lệch thấp hơn (discount) của tuần này là cao nhất trong 7 tháng, cho dù đây đang là một mùa lễ hội quan trọng ở quốc gia tiêu thụ nhiều vàng thứ hai thế giới.

So với giá chính thức (tính bằng giá vàng quốc tế cộng 10,75% thuế nhập khẩu và 3% giá tiêu thụ), giá vàng bán lẻ ở Ấn Độ trong tuần thấp hơn 5 USD/oz, từ chỗ thấp hơn 3 USD/oz trong tuần trước.

Tại Trung Quốc, giá vàng bán lẻ tuần này cao hơn 7,5-10 USD/oz so với giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế, không có nhiều thay đổi so với mức chênh của tuần trước.

Tại Hong Kong, giá vàng bán lẻ cao hơn 1,8-2 USD/oz so với giá quốc tế, từ chỗ chênh 0,8-1,8 USD/oz của tuần trước.

Tại Singapore, chênh lệch tuần này là giá vàng bán lẻ cao hơn giá quốc tế 1,3-1,9 USD/oz, từ chỗ chênh 1,5-2 USD/oz của tuần trước. Tại Nhật Bản, giá vàng bán lẻ dao động từ ngang bằng đến cao hơn 0,5 USD/oz so với giá thế giới./.

About vgta

Check Also

BẢN TIN VÀNG SỐ 34/2023: Giá vàng tuần tới Liệu Fed có phá được thế “mắc kẹt” của vàng

Giá vàng thế giới đang “mắc kẹt” trong một phạm vi hẹp, không rõ xu ...

BẢN TIN VÀNG SỐ 33/2023: Giá vàng tuần này: Áp lực từ đồng USD còn lớn

Hoạt động mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ tỷ ...

BẢN TIN VÀNG SỐ 32/2023: Giá vàng tuần này: Kháng cự đang mạnh, bứt phá khó xảy ra?

Giá vàng thế giới có vẻ như đã vấp phải kháng cự mạnh vào cuối ...