Tin mới nhất
Home / Thị trường vàng / Văn phòng Hiệp hội xin gửi tới quý độc giả bài viết về diễn biến giá vàng trong nước và quốc tế tuần này và dự báo xu hướng giá vàng quốc tế tuần tới: Cơ hội mua hay nguy cơ giảm sâu hơn?

Văn phòng Hiệp hội xin gửi tới quý độc giả bài viết về diễn biến giá vàng trong nước và quốc tế tuần này và dự báo xu hướng giá vàng quốc tế tuần tới: Cơ hội mua hay nguy cơ giảm sâu hơn?

Giá vàng thế giới tuần này tiếp tục chịu áp lực giảm mạnh từ xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, mất khoảng 45 USD/oz so với mức đóng cửa của tuần trước. Một câu hỏi được nhiều người đặt ra lúc này là giá vàng còn có thể giảm thêm bao nhiêu trước khi bước vào một đợt tăng giá mới?

Ảnh minh họa – Ảnh: Bloomberg.

Theo trang Kitco News, theo quan điểm của nhiều nhà phân tích, vùng giá 1.750 USD/oz của vàng là một cơ hội tốt để mua vào. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là giá kim loại quý này sẽ không tụt về ngưỡng sâu hơn trong tuần tới.

Nhân tố lợi suất

Sự kết hợp giữa lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh và đồng USD lên giá đã gây sức ép lớn lên vàng.

“Nếu nhìn vào vàng trong một rổ với các kim loại khác, duy chỉ có vàng giảm giá trong tuần này. Bạc, bạch kim, palladium, và rhodium đều tăng giá. Nhu cầu mua vẫn đang duy trì vững vàng đối với các kim loại quý trắng và kim loại công nghiệp”, Giám đốc giao dịch toàn cầu của Kitco Metals, ông Peter Hug, phát biểu. “Giá vàng đã chịu ảnh hưởng bởi mức tăng mạnh của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm”.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm khởi động tuần ở mức 1,15% và tăng lên mức 1,33% vào ngày thứ Sáu. Điều này khiến vàng suy giảm sức hấp dẫn vì vàng là một tài sản không mang lại suất. Mặt khác, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cũng đẩy USD tăng giá, mà vàng được định giá bằng USD, nên thường mất giá khi bạc xanh tăng giá và ngược lại.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác kết thúc tuần giao dịch ở mức hơn 90,3 điểm, giảm khoảng 0,15% trong tuần. Dù vậy, vào đầu tuần, chỉ số đã tăng khá mạnh.

Nhiều tin tức khác cũng không ủng hộ giá vàng trong tuần này, như công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới BlackRock chọn bạc thay vì vàng, hay Tổng giám đốc (CEO) Jeffrey Gundlach của DoubleLine cho tiền ảo Bitcoin là một tài sản tốt hơn vàng trong bối cảnh những gói kích cầu khổng lồ được bơm vào nền kinh tế toàn cầu.

Lúc đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu, giá vàng giao ngay tại thị trường New York tăng 9,3 USD/oz, tương đương tăng 0,5%, đạt 1.785,6 USD/oz. Trong phiên, có lúc giá vàng trượt dưới 1.760 USD/oz, thấp nhất trong 8 tháng. Cú đảo chiều vào cuối phiên giúp giá vàng chấm dứt chuỗi 5 phiên giảm liên tiếp trước đó, nhưng không đủ để đưa tránh được một tuần đi xuống. Tính cả tuần, giá kim loại quý này giảm khoảng 2,5%.

“Long” hay “short”?

Về triển vọng giá vàng tuần tới, chiến lược gia Charlie Nedoss của LaSalle Futures Group cho rằng nhân tố tác động quan trọng nhất sẽ là diễn biến tỷ giá đồng USD. “Đồng USD có thể yếu đi trong tuần tới, và giá vàng có thể bật tăng từ vùng đáy”, ông Nedos nói.

Ông Hug thì cho rằng việc trượt về vùng giá hiện tại mang lại cho giá vàng một cơ hội tốt để phục hồi trong tuần tới. “Dự báo này dựa trên các yếu tố kỹ thuật. Tôi thà đánh giá lên (long) thay vì đánh giá xuống (short) ở vùng giá 1.778 USD/oz”, ông Hug nói.

Ngoài ra, ông Hug nhấn mạnh rằng kỳ vọng lạm phát có thể đang tăng lên, với dẫn chứng là chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Mỹ đã mạnh lên. “Tôi xem đợt giảm giá này như cơ hội để mua, không phải là lúc để hoảng loạn hay bán tháo vàng”, ông nhận định.

Ở cận trên, giá vàng cần vượt ngưỡng 1.800 USD – một mốc kháng cự không phải là lớn, tiếp đó cần vượt 1.825 USD/oz mới có thể trở lại xu hướng tăng lên 1.900 USD/oz, theo ông Hug.

Nhưng nếu lực bán được đẩy mạnh trong tuần tới, giá vàng có thể xuyên thủng mốc 1.750 USD/oz rồi trượt về 1.725 USD/oz, ông Hug nói.

“Dù vậy, tôi không nghĩ việc này có thể xảy ra”, ông nói thêm.

Nhà môi giới cấp cao Daniel Pavilonis thuộc RJO Futures thì cho rằng nếu lợi suất trái phiếu và thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng điểm, giá vàng có nguy cơ  giảm sâu hơn.

“Nếu chứng khoán tiếp tục tăng điểm, lợi suất cao hơn, và giá vàng đóng cửa dưới 1.766 USD/oz, thì giá còn có thể giảm sâu thêm nữa”, ông Pavilonis nói. “Đối với tôi, đó là một ‘giới hạn đỏ’. Nếu duy trì được trên mốc này, giá vàng sẽ diễn biến giằng co”.

Diễn biến giá vàng thế giới từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/oz – Nguồn: TradingView.

Ông Pavilonis lưu ý thêm rằng giá vàng thậm chí có thể giảm về 1.200 USD/oz trong năm nay trước khi quay trở lại xu hướng tăng. “Giá vàng sẽ không giảm thẳng về 1.200 USD/oz, nhưng khi lãi suất tăng, áp lực giảm lên giá vàng chắc chắn tăng. 1.527 USD/oz sẽ là ngưỡng  hỗ trợ thực sự đầu tiên”, ông nói.

Tuần tới, một trong những sự kiện chính sẽ là cuộc điều trần của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell trước Thượng viện Mỹ vào ngày thứ Ba. Thị trường kỳ vọng ông Powell sẽ một lần nữa khẳng định rằng Fed sẽ tiếp tục “phớt lờ” lạm phát tăng và giữ lãi suất ở gần 0. Nhà đầu tư cũng muốn biết trong điều kiện như thế nào thì Fed sẽ đưa ra biện pháp kiểm soát đường cong lợi suất.

“Nếu Fed thực sự bắt đầu nâng lãi suất vì lạm phát bắt đầu tăng, thì đó sẽ là một bước đi mang tính bước ngoặt đối với giá vàng”, ông Pavilonis nhận định.

Thị trường vàng châu Á sôi động

Một tâm điểm chú ý khác của giới đầu tư trong tuần tới là gói kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Kế hoạch này có thể sớm được Quốc hội Mỹ thông qua, vì phe Dân chủ đang cân nhắc phương thức phê chuẩn kế hoạch mà không cần hội đủ sự ủng hộ của các nghị sỹ đến từ Đảng Cộng hòa.

Một số liệu kinh tế quan trọng được công bố vào tuần tới là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 4 của Mỹ, dự kiến đưa ra vào ngày thứ Năm.

Trong nước, giá vàng tuần này giảm hơn 700.000 đồng/lượng.

Sáng Chủ nhật (21/2), giá vàng miếng SJC tại thị trường Hà Nội theo niêm yết của Tập đoàn DOJI là 55,6 triệu đồng/lượng và 56,3 triệu đông/lượng, tương ứng giá mua và bán. Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu là 55,65 triệu đồng/lượng và 56,35 triệu đồng/lượng.

Nhu cầu vàng trong nước tăng trong tuần này do người dân mua vàng để cầu may dịp Vía Thần Tài (10/1 âm lịch). Tại một số thị trường vàng chủ chốt của châu Á, lực mua cũng tăng do giá giảm sâu.

Tại Ấn Độ, giá bán lẻ vàng cao hơn tới 7 USD/oz so với giá chính thức, mức chênh cao nhất 8 tháng, từ chỗ chênh 7 USD/oz trong tuần trước.

“Doanh số bán vàng rất mạnh, mọi người mua tiền xu vàng, vàng thỏi và trang sức vàng khi giá giảm sâu”, một nhà kinh doanh vàng ở Hyderabad nói với Reuters.

Nhu cầu vàng ở Trung Quốc, nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, cũng khởi sắc sau Tết Nguyên đán. Giá bán lẻ ở Trung Quốc tuần này cao hơn từ 5-8 USD/oz so với giá vàng thế giới.

Tại Singapore, mức chênh lệch giữa giá vàng bán lẻ so với giá quốc tế là cao hơn 1-2 USD/oz. Tại Hồng Kông, mức chênh lệch dao động từ thấp hơn 4 USD/oz cho tới cao hơn 1,5 USD/oz. Tại Nhật Bản, giá vàng bán lẻ cao hơn từ 0,5-1 USD/oz so với giá quốc tế.

About vgta

Check Also

BẢN TIN VÀNG SỐ 34/2023: Giá vàng tuần tới Liệu Fed có phá được thế “mắc kẹt” của vàng

Giá vàng thế giới đang “mắc kẹt” trong một phạm vi hẹp, không rõ xu ...

BẢN TIN VÀNG SỐ 33/2023: Giá vàng tuần này: Áp lực từ đồng USD còn lớn

Hoạt động mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ tỷ ...

BẢN TIN VÀNG SỐ 32/2023: Giá vàng tuần này: Kháng cự đang mạnh, bứt phá khó xảy ra?

Giá vàng thế giới có vẻ như đã vấp phải kháng cự mạnh vào cuối ...