Giá vàng thế giới mấy tuần gần đây giằng co trong một vùng biên độ khá rộng, từ 1.800-1900 USD/oz, do vừa được hỗ trợ ở cản dưới lại vừa thiếu động lực để bứt phá khỏi cản trên.
“Giá vàng đang điều chỉnh, đang tìm kiếm một chất xúc tác nào đó để xác định rõ một xu hướng”, Giám đốc phụ trách giao dịch toàn cầu của Kitco Metals, ông Peter Hug, nhận xét.
Ảnh minh họa – Ảnh: Bloomberg.
Sau khi giá vàng tăng mạnh vào hôm thứ Tư (20/1) sau lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Joe Biden, 1.870 USD/oz trở thành một ngưỡng kháng cự mạnh. Vấp phải ngưỡng này, giá vàng giảm liên tiếp trong hai phiên ngày thứ Năm và thứ Sáu, về vùng 1.850 USD/oz.
Lúc đóng cửa phiên ngày thứ Sáu, giá vàng giao ngay tại New York giảm 14,5 USD/oz, tương đương giảm 0,8%, còn 1.856,5 USD/oz. Tính cả tuần, giá vàng tăng 1,4% sau 2 tuần giảm liên tiếp – mức tăng mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 18/12.
Đồng USD hồi giá sau mấy phiên giảm liên tiếp là nguyên nhân chính khiến giá vàng sụt giảm trong phiên cuối của tuần. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD tăng lên mức 90,2 điểm, từ mức 90,1 điểm của phiên trước. Theo một số nhà phân tích, đồng USD vẫn đang được nhiều nhà đầu tư mua vào để phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia.
Theo chuyên gia Lukman Otunuga thuộc FXTM, giá vàng có thể giảm trong ngắn hạn, nhưng “kỳ vọng về chính sách kích cầu lớn hơn của chính quyền Tổng thống Joe Biden và kỳ vọng lạm phát sẽ hạn chế khả năng giảm sâu của giá vàng”.
Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng kế hoạch kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD mà ông Biden đề xuất sẽ gặp một số trở ngại ở Quốc hội Mỹ, bởi một số nhân vật Cộng hòa không đồng tình với kế hoạch này. Mối lo như vậy cũng đặt ra sức ép giảm giá đối với vàng.
Tuy nhiên, kỳ vọng vào chủ trương chi tiêu mạnh của chính quyền ông Biden và chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn là những nhân tố hỗ trợ quan trọng cho giá vàng trong dài hạn, cũng như hạn chế bớt áp lực giảm đối với giá kim loại quý này trong ngắn hạn.
Theo nhà môi giới Daniel Pavilonis thuộc RJO Futures, lạm phát có thể sẽ là nhân tố tiếp theo kích giá vàng đi lên một khi gói kích cầu của ông Biden thông qua. “Ở thời điểm hiện tại, giá vàng đang giằng co, nhưng lạm phát có thể đưa giá vàng bứt phá mạnh mẽ”, ông nói.
Ông Hug vẫn lạc quan về triển vọng tăng giá của vàng, nhưng cho rằng giá vàng sẽ diễn biến theo kiểu bậc thang, với những đợt tăng rồi đi ngang nối tiếp nhau.
“Nếu không giữ được mốc 1.825 USD/oz, giá vàng sẽ giảm về 1.800 USD/oz. Nhưng tuần tới, giá vàng có thể hướng tới vùng 1.872-1.900 USD/oz. Khi nào gói kích cầu được thông qua, giá có thể vượt 1.900 USD/oz”, ông Hug nói về những mốc giá chủ chốt.
Diễn biến giá vàng thế giới 1 năm qua – Nguồn: Trading View.
Sự kiện quan trọng nhất của tuần tới là cuộc họp của Fed kết thúc vào ngày thứ Tư. Thị trường cũng sẽ chờ dữ liệu tăng trưởng kinh tế Mỹ quý 4/2020, dự kiến công bố vào ngày thứ Năm.
Thị trường vàng ở khu vực châu Á ấm lên trong tuần này, khi lực mua ở Trung Quốc và Singapore tăng lên trước thềm Tết Nguyên đán, hãng tin Reuters cho hay.
Tại Trung Quốc, giá vàng bán lẻ trong tuần cao hơn từ 0,5-4 USD/oz so với giá vàng thế giới, bằng với mức chênh của tuần trước. Từ tuần trước, giá vàng bán lẻ ở Trung Quốc chuyển sang trạng thái cao hơn giá thế giới, sau khi đứng thấp hơn một khoảng rộng trong phần lớn thời gian của năm 2020 do nhu cầu tiêu thụ vàng ở nước này xuống thấp trong đại dịch.
Tại Singapore, giá vàng bán lẻ tuần này cao hơn 1,4 USD/oz so với giá thế giới, từ chỗ cao cao hơn 0,8-1,8 USD/oz trong tuần trước.
Tại Ấn Độ, nhu cầu vàng tăng chậm và giá bán lẻ vàng ở nước này cao hơn 1 USD/oz so với giá chính thức trong tuần.
Tại Hồng Kông, giá vàng bán lẻ dao động từ thấp hơn 2 USD/oz đến cao hơn 1,5 USD/oz so vơi giá quốc tế. Tại Nhật Bản, giá vàng bán lẻ tuần này ngang bằng với giá thế giới.
Trong nước,vào lúc đầu giờ sáng thứ Bảy (23/1), Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 55,9 triệu đồng/lượng (mua vào) và 56,4 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 55,85 triệu đồng/lượng và 56,4 triệu đồng/lượng.
So với cùng thời điểm ngày hôm trước, giá vàng miếng SJC bán lẻ hiện đi ngang tại DOJI và giảm 100.000 đồng/lượng ở SJC. Giá bán ra vàng miếng SJC tại hai doanh nghiệp này đều giảm 100.000 đồng/lượng.
Tuần này, giá vàng miếng giằng co trong biên độ hẹp, với giá bán ra dao động từ 56,2-56,7 triệu đồng/lượng. Tính cả tuần, giá vàng miếng bán lẻ hạ 100.000 đồng/lượng.