“Kiến tạo – Phục vụ – Tự cường” sẽ trở thành định hướng hành động của tất cả các cấp, các ngành và của mọi tổ chức, mọi công dân nếu nó thực sự được phát động và thực hiện một cách bài bản, nghiêm túc, đi vào lòng ngườì.
Một trong những thành công đầu tiên của Việt Nam trong năm 2017, đó là Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã chọn Việt Nam là nước đầu tiên để ký thỏa thuận hợp tác theo mô hình đối tác công-tư (PPP), xây dựng một nền kinh tế tự cường (KTTC). Việt Nam là mẫu hình để triển khai với các nước khác.
Cơ hội xoay chuyển thế “chống đỡ”
Hoạt động đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi tham dự Hội nghị thường niên WEF lần thứ 47 tại Davos, Thụy Sĩ là chứng kiến Lễ ký Thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và WEF về phát triển nền kinh tế Việt Nam tự cường trước tương lai.
WEF sẽ hỗ trợ Việt Nam kết nối với mạng lưới các DN và chuyên gia nghiên cứu hàng đầu của WEF; phối hợp với Việt Nam nghiên cứu và tư vấn chính sách trong những lĩnh vực Việt Nam quan tâm như tái cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, năng suất, năng lực cạnh tranh quốc gia, biến đổi khí hậu…; nâng cao năng lực thông qua nhận cán bộ Việt Nam thực tập tại các cơ quan, tổ chức của WEF.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Chủ tịch WEF Klaus Schwab
tại Davos, Thụy Sĩ
Chủ tịch WEF – ông Klaus Schwab đánh giá cao vai trò, tiềm năng phát triển và bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam, nhất là theo mô hình PPP. Ông cũng mong muốn đây là một “mẫu hình” để triển khai với các nước khác sau này.
Giám đốc điều hành WEF, Philip Roesler đã bày tỏ vui mừng về việc Việt Nam là quốc gia đầu tiên WEF ký thỏa thuận hợp tác PPP. Còn các DN thuộc WEF đang quan tâm đầu tư vào Việt Nam cho rằng, bản ký kết này thực sự là một lời hứa. WEF sẽ hỗ trợ cho Việt Nam trong tất cả các ngành cần thiết để đưa Việt Nam vào kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN4.0). “Tôi xin được khẳng định Việt Nam có một đối tác mạnh mẽ, đó là WEF. Chúng tôi sẵn sàng ủng hộ Việt Nam”, ông Philip Roesler nhấn mạnh.
“Đây thật là một tin vui nhân dịp cả nước đang bước vào mùa xuân mới với quyết tâm cao của một Chính phủ kiến tạo – Chính phủ phục vụ – Chính phủ vì người dân và DN. Nhất là trong bối cảnh khi đất nước vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Hơn lúc nào hết, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng một nền kinh tế tự lực tự cường để đủ sức đối phó với các biến động nếu có”, TS. Phan Hữu Thắng – Phó Chủ tịch Hiệp hội DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nhận định.
Theo dự báo, tới đây tình hình đất nước vẫn sẽ tiếp tục khó khăn với những tác động của biến đổi khí hậu, cũng như những tác động tiêu cực tới thương mại và đầu tư do xu hướng gia tăng bảo hộ mậu dịch và rút khỏi TPP của Hoa Kỳ.
“Tình hình này có thể làm xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam chậm lại, gián tiếp tác động tới tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, những bất ổn của kinh tế Trung Quốc và tình trạng dư thừa năng lực sản xuất của họ có thể xảy ra sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam”, PGS.TS.Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lưu ý.
“Cùng với đó là sức ép tăng chỉ số giá tiêu dùng do giá dầu thô có xu hướng tăng trở lại sẽ tác động tăng giá đầu vào… Với những dự báo tác động xấu đó, Việt Nam sẽ chống đỡ ra sao? TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
DN là tài sản quốc gia
TS.Phan Hữu Thắng hy vọng “Kiến tạo – Phục vụ – Tự cường” sẽ trở thành định hướng hành động của tất cả các cấp, các ngành và của mọi tổ chức, mọi công dân nếu nó thực sự được phát động và thực hiện một cách bài bản, nghiêm túc, đi vào lòng người”. Điều này sẽ tiếp tục làm tăng cường hơn nữa niềm tin vào Đảng, vào Chính phủ và khơi dậy mạnh mẽ hơn tình yêu đất nước, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, người dân đối với tương lai đất nước, của dân tộc và Tổ quốc.
Đồng thời, cũng sẽ đánh thức được trí tuệ và sự cống hiến của mỗi người Việt Nam vào xây dựng đất nước. “Đánh thức và huy động được trí tuệ và sức lực và sự cống hiến của người dân sẽ quyết định thành công của việc xây dựng một nền KTTC”, ông Thắng bày tỏ.
Tại phiên họp “Quản trị vững mạnh trong cuộc CMCN4.0”, và phiên họp “Tương lai nền sản xuất dưới góc độ chiến lược khu vực” trong khuôn khổ WEF, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu bật những tác động của CMCN4.0 đối với Chính phủ, DN và người dân. Thủ tướng cho rằng các Chính phủ cần nỗ lực hoàn thiện thể chế, quy định và chính sách đáp ứng các yêu cầu phát triển mà CMCN4.0 đặt ra; tranh thủ cơ hội của CMCN4.0 để giải quyết các vấn đề toàn cầu như phát triển nguồn năng lượng mới, an ninh nguồn nước, nông nghiệp hữu cơ bền vững, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu…
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đang tích cực triển khai chính sách khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, xóa bỏ rào cản, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử… Việt Nam hiểu rằng không thể tiếp tục dựa vào các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt và nguồn lao động rẻ để phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên CMCN4.0 nên đang tập trung vào một số định hướng quan trọng: Đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở nâng cao chất lượng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; Phát triển các ngành có giá trị gia tăng cao, ứng dụng khoa học công nghệ và sử dụng lao động chất lượng cao…
Cùng với đó là đặt DN vào vị trí trung tâm của hệ thống đổi mới quốc gia; Xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, DN Việt Nam được bảo đảm quyền tự do kinh doanh và Chính phủ nỗ lực tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và thuận lợi.
Ủng hộ quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, Chính phủ phục vụ, ông Thắng tin tưởng như vậy sẽ có được một nền KTTC. Tuy nhiên, điều kiện đủ là vẫn phải kiến tạo để phục vụ, để xây dựng và có được một nền KTTC. Vì vậy cần trao đổi thẳng thắn công khai và khoa học về tình hình kinh tế, đầu tư, thương mại hiện nay để thấy được nội dung “tự cường” trong tình hình thực tế hiện nay của nền kinh tế Việt Nam.
Và để khởi đầu cho một nền KTTC, TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh DN sẽ là trục cơ bản để phát triển. Nhưng hiện nay, đội ngũ DN còn yếu, không liên kết được, không đủ sức tạo thành lực lượng nên cần phải có được những tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh. Để hướng tới một nền KTTC, cách tiếp cận về DN phải thay đổi.
“Cần phải quan niệm DN là tài sản quốc gia và đất nước phải bảo vệ. Ai phạm sai lầm, cá nhân nào vi phạm thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật, nhưng không để DN sụp đổ. Hai là, khởi nghiệp đừng như phong trào. Hai yếu tố của khởi nghiệp cần phải xác định rõ, đó là sáng tạo và sự cạnh tranh”, ông Thiên nói.
Theo Linh Đan, thoibaonganhang.vn