Giới phân tích cho rằng giá vàng đang tiếp tục được hưởng lợi từ bất ổn địa chính trị gia tăng và chu kỳ nới lỏng mới bắt đầu của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, trong đó có Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tuy nhiên, đợt tăng giá mới nhất này cũng cho thấy thị trường đang bị chi phối bởi tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO), đặt ra mức độ rủi ro nhất định đối với giá vàng trong ngắn hạn.
Ảnh minh họa
Đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu (18/10) tại New York, giá vàng giao ngay tăng 28,3 USD/oz, tương đương tăng 1,05%, chốt ở mức 2.721,8 USD/oz – theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Giá vàng giao sau trên sàn COMEX ở New York chốt phiên với mức tăng 0,8%, đạt 2.730 USD/oz.
Cả tuần, giá vàng tăng 2,4% dù chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD tăng gần 0,6%.
Ông Naeem Aslam, Giám đốc đầu tư tại công ty Zaye Capital Markets, lưu ý rằng tâm lý FOMO ngày càng tăng trên thị trường vàng có thể là một dấu hiệu của bong bóng đang hình thành.
Trao đổi với trang Kitco News, ông Aslam nói: “Mặc dù động lực trên thị trường vàng vẫn thuộc về xu hướng tăng, nhưng sự gia tăng mạnh mẽ của giá vàng gần đây mang lại cảm giác do yếu tố tâm lý thúc đẩy là chính. Bởi vậy. bất kỳ sự thay đổi nào từ Fed theo chiều hướng bớt mềm mỏng hơn, hoặc hoạt động chốt lời, đều có thể gây ra sự điều chỉnh đối với giá vàng. Giá vàng càng leo cao mà không có bước lùi nào thì xu hướng tăng càng trở nên mỏng manh hơn. Cần phải lạc quan một cách thận trọng về giá vàng, vì tình trạng mua quá mức trên thị trường vàng hiện nay có thể nhanh chóng đảo ngược”.
Ông Daniel Ghali, Chiến lược gia hàng hóa cao cấp tại TD Securities, cũng chỉ ra rủi ro ngày càng tăng trên thị trường vàng, lưu ý rằng phần lớn động lực tăng giá hiện tại dường như đến từ các thị trường phi tập trung (OTC), rất khó theo dõi. Ông nói thêm rằng việc đánh giá mức độ bền vững của đợt phục hồi này cũng là một thách thức.
“Giá vàng đang tiếp tục tăng cao hơn, tuy nhiên chúng tôi không nhận thấy có bất kỳ dòng vốn lớn nào chảy vào vàng ở các địa điểm có thể nhận diện được trên toàn thế giới. Trong những phiên gần đây, các quỹ ETF vàng vẫn giữ khối lượng nắm giữ ổn định cho dù giá vàng tăng mạnh. Điều này cho thấy sự tăng giá của vàng đang dựa vào nhu cầu trên thị trường OTC. Mùa bầu cử đang diễn ra, điều này có thể giải thích mối quan tâm gia tăng đối với vàng, nhưng dữ liệu tại các tổ chức thanh toán không cho thấy đây là xu hướng nhất quán trong những tháng gần đây”, ông Ghali nói.
“Chẳng hạn, khối lượng giao dịch vàng OTC tại Hiệp hội Thị trường vàng London (LBMA) đã giảm từ đầu năm đến nay, mặc dù có sự gia tăng so với tháng trước trong thời gian gần đây. Liệu sự tăng giá gần đây của vàng cũng có thể do nhu cầu bán vàng giảm bớt? Nếu vậy, chỉ cần dòng vốn chảy vào thị trường vàng dù rất nhỏ cũng có tác động lớn hơn bình thường đến giá cả. Chắc chắn nhà đầu tư phải rất dũng cảm để bán vàng trong tuần bầu cử Mỹ, nhưng điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?” ông Ghali đặt câu hỏi.
Những dù các nhà phân tích không phải lúc nào cũng có thể xác định chính xác những nhân tố chủ chốt trên thị trường, họ nhất trí rằng những yêu tố nền tảng hỗ trợ cho giá vàng vẫn đang mạnh.
Ông Ricardo Evangelista, nhà phân tích cấp cao tại ActivTrades, nói: “Bất ổn địa chính trị, tăng trưởng kinh tế chậm chạp ở các khu vực trọng điểm, sự thay đổi trong chính sách của ngân hàng trung ương theo hướng lãi suất thấp hơn và gần đây nhất là sự bấp bênh xung quanh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đều góp phần đưa giá vàng tăng”.
Ông Jesse Colombo, một nhà phân tích kim loại quý độc lập và là người sáng lập BubbleBubble Report, cho biết ông không thấy có nguy cơ bong bóng trên thị trường vàng vì đợt tăng này của giá vàng diễn ra sau một thời gian tích lũy, dù đó chỉ là một khoảng thời gian tích lũy ngắn. “Thời kỳ tăng giá của vàng chỉ mới bắt đầu và các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn chưa tham gia nhiều vào thị trường. Tôi tin rằng tâm lý FOMO thực sự vẫn còn ở phía trước khi chúng ta tiếp cận mức 3.000 USD/oz vàng”, ông nói.
Ông Colombo nói thêm rằng việc đóng cửa vững chắc trên 2.700 USD sẽ đưa vàng đi đúng hướng để đạt tới 3.000 USD/oz.
Ông Rich Checkan, Chủ tịch kiêm COO của Asset Strategies International, cũng đồng tình với quan điểm này, bày tỏ sự lạc quan về tương lai của vàng. “Vàng đang ở mức giá cao nhất mọi thời đại, nhưng vẫn rất rẻ. Sự tăng giá mới chỉ bắt đầu. Các nhà đầu tư nên ngừng chờ đợi và hãy mua vàng luôn đi”, ông nói.
Ông Checkan nói thêm rằng những người lo ngại về bong bóng trên thị trường vàng cần phải xem xét bối cảnh rộng hơn. Ông chỉ ra rằng có rất ít lựa chọn cho các nhà đầu tư muốn bảo toàn vốn. “Nếu bạn có thêm tiền, bạn sẽ để tiền ở đâu? Vào ngân hàng hay trái phiếu ngắn hạn khi lãi suất đang giảm? Bạn có nghĩ rằng thị trường chứng khoán ít bong bóng hơn vàng?” ông nói.
Do có rất ít dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ được công bố vào tuần tới, các nhà phân tích kỳ vọng thị trường vàng sẽ tiếp tục tập trung vào các xu hướng rộng hơn, đặc biệt là sự bất ổn về địa chính trị.
Giá vàng cao kỷ lục khiến nhu cầu vàng vật chất tại khu vực châu Á kém sôi động trong tuần này, với giá vàng bán lẻ ở cả Trung Quốc và Ấn Độ đều thấp hơn giá quốc tế.
Tại Ấn Độ, giá vàng bán lẻ trong tuần thấp hơn tới 8 USD/oz so với giá vàng chính thức – tính bằng giá vàng quốc tế cộng thuế nhập khẩu 6% và thuế tiêu thụ 3% – từ chỗ cao hơn 3 USD/oz trong tuần trước. Tại Trung Quốc, giá vàng bán lẻ trong tuần thấp hơn từ 3-14 USD/oz so với giá quốc tế, từ chỗ thấp hơn 15-31 USD/oz trong tuần trước.
Tại Hồng Kông, giá vàng bán lẻ tuần này dao động từ thấp hơn 2 USD/oz đến cao hơn 1,2 USD/oz so với giá quốc tế. Tại Singapore, giá vàng dao động từ thấp hơn 0,8 USD/oz đến cao hơn 2,2 USD/oz so với giá quốc tế. Tại Nhật Bản, mức chênh lệch là từ thấp hơn 0,25 USD/oz đến cao hơn 0,5 USD/oz./.