Tin mới nhất
Home / Kinh tế xã hội / Kinh tế trong nước / Muốn có tương lai cần đổi mới quản trị doanh nghiệp

Muốn có tương lai cần đổi mới quản trị doanh nghiệp

Theo kết quả điều tra của VCCI, các DN có mô hình quản trị tiên tiến đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn rất nhiều DN có mô hình quản trị đơn giản.

Quản trị Cty là một yếu tố then chốt để đẩy mạnh hiệu quả thị trường, phát triển kinh tế cũng như tăng cường lòng tin của nhà đầu tư. Chính vì vậy, “Báo cáo thường niên DN Việt Nam 2016/2017” do VCCI xây dựng có chủ đề năm là “Quản trị Cty” (QTCT)

DN quản trị tiên tiến có hiệu quả cao

Chỉ cần nhìn vào kết quả điều tra của VCCI, năm 2016 đối với Cty niêm yết và không niêm yết cũng có thể thấy: Trong khi, 14,8% Cty niêm yết vượt kế hoạch thì tỷ lệ này ở Cty không niêm yết chỉ là 9,9%. Tương tự, có 48,1% Cty niêm yết hoàn thành kế hoạch và chỉ có 37,5% Cty không niêm yết hoàn thành kế hoạch năm.

Nghiên cứu đã chỉ rõ xu hướng chuyển dịch của các DN Việt Nam về loại hình DN. Theo đó, giai đoạn 2007 đến nay liên tục chứng kiến sự lên ngôi của các mô hình kinh doanh hiện đại thông qua hình thức Cty TNHH và Cty cổ phần, thay thế dần mô hình quản trị truyền thống theo kiểu gia đình dưới hình thức các Cty tư nhân. Sự chuyển dịch này là một dấu hiệu tích cực. Cho dù các DN này có thể chưa áp dụng được toàn bộ những thực tiễn tốt về quản trị Cty, song sự tiệm cận dần tới các chuẩn mực về quản trị đã mang lại những ưu thế nhất định trong hoạt động của DN.

Khảo sát theo những chỉ số mang tính chất hết sức sơ đẳng, “gần gũi” với QTCT, chẳng hạn như: DN có Ban kiểm soát nội bộ, DN có xây dựng và ban hành điều lệ Cty, DN có ban hành các báo cáo tình hình tài chính, tính hình kinh doanh… cho thấy ở khu vực có nhiều DN có mô hình hiện đại hơn thì việc áp dụng những chỉ số này phổ biến hơn. Khu vực các Cty niêm yết là nơi các chỉ số này áp dụng nhiều nhất. Tiếp đó là các DN có vốn đầu tư nước ngoài, Cty cổ phần, Cty TNHH và cuối cùng là DN tư nhân.

Việc ban hành các báo cáo về tình hình kinh doanh, tài chính hàng năm được coi là một trong những nội dung quan trọng để minh bạch thông tin trong một mô hình quản trị Cty tốt. Trong số các DN được điều tra có 69,3% số DN đã thực hiện việc này. Các báo cáo này thường được công bố trong vòng 2 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Một điểm rất đáng quan tâm đó là kết quả thực hiện trách nhiệm xã hội và xây dựng tổ chức công đoàn trong các DN. Với hình thức tổ chức kinh doanh càng hiện đại, thì các hoạt động về thực hiện trách nhiệm xã hội ngày càng phổ biến, nhất là thực hiện các tiêu chuẩn minh bạch.

Năng lực DN đang được cải thiện dần

Trong giai đoạn 2007-2016, đã có trên 802.000 DN đăng ký thành lập, nâng tổng số DN đã đăng ký thành lập lên 1.051.151. Đáng chú ý là lần đầu tiên số lượng DN đăng ký trong năm 2016 đã đạt con số trên 100.000

DN. Trong tổng số hơn 1 triệu DN đã được thành lập kể từ khi có luật DN đến nay, số DN đã giải thể là khoảng 130.000 DN (chiếm 12,3%). Đáng chú ý là số lượng DN thành lập mới bắt đầu đà tăng mới trong hai năm gần đây, phá vỡ xu hướng tăng đều đều trong giai đoạn 2011-2014: bình quân mỗi năm khoảng 74.000 DN thành lập. Một điểm đáng khích lệ nữa là số lượng DN ngừng hoạt động hoặc giải thể trong năm 2016 đã giảm đáng kể so với năm 2015 với 73.145 DN (giảm 9,5% so với năm 2015), trong đó có 12.478 DN hoàn thành thủ tục giải thể và 60.667 DN gặp khó khăn phải ngừng hoạt động. Trong năm 2016, cả nước có 26.689 DN quay trở lại hoạt động, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Việc tỷ lệ DN phải ngừng hoạt động đang được kiềm chế cho thấy các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đang phát huy hiệu quả và những khó khăn của DN đang dần được tháo gỡ.

Sáng kiến quản trị Cty

Cho đến nay, khung QTCT ở Việt Nam được đánh giá là phù hợp với các yêu cầu và nguyên tắc quản trị phổ biến được thừa nhận trên thế giới. Tuy nhiên, hoạt động QTCT ở Việt Nam vẫn còn nhiều điểm hạn chế và yếu kém. Đặc biệt là trong mối tương quan so sánh với các nước trong khu vực thông qua Thẻ điểm Quản trị Cty ASEAN. Nhiều lãnh đạo DN còn lẫn lộn giữa QTCT với quản lý tác nghiệp.

Cải thiện QTCT là một yếu tố tiên quyết để các DN Việt Nam có thể rút ngắn khoảng cách và bắt kịp các DN trong khu vực. Một số công cụ được đề cập đến nhằm cải thiện chất lượng QTCT, bao gồm: Thành lập Viện Giám đốc theo mô hình của nhiều nước trên thế giới, áp dụng chuẩn mực kế toán Báo cáo tài chính quốc tế, tôn vinh các DN thực hiện tốt QTCT, các gói giải pháp QTCT của các Cty chứng khoán, kiểm toán và nâng cao vai trò của các Hiệp hội DN. Các nỗ lực trên đang được Ủy Ban chứng khoán Nhà nước, phối hợp với Cty tài chính quốc tế (IFC), Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng các cơ quan liên quan thúc đẩy triển khai thông qua Sáng kiến quản trị Cty Việt Nam (Vietnam Corporate Governance Innititive- VCGI).

Ông Bùi Văn Mai – nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VACPA:Quản trị Cty theo “chuẩn”

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, tiêu chí để đánh giá sự thành công của các DN dựa nhiều vào yếu tố về minh bạch hoá thông tin với cổ đông, khách hàng, nhân viên và cộng đồng mà DN hướng tới. DN chỉ có thể đạt được sự thành công lâu dài và bền vững nếu cam kết thực hiện QTCT theo những tiêu chuẩn phù hợp với trình độ trong nước và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Kinh doanh liêm chính và minh bạch sẽ mang lại lợi ích to lớn cho DN và cộng đồng

Để báo cáo tài chính cung cấp thông tin trung thực hơn về tình hình tài chính, quản trị DN thì các chuẩn mực kiểm toán cũng phải sát với yêu cầu thực tiễn và có những chế tài quản lý theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế qui định…

Ông Vũ Huy Đông – Giám Đốc Công ty CP DamSan:4 yếu tố quản trị tốt DN

Theo tôi để quản trị DN tốt cần hội tụ đủ 4 yếu tố. Thứ nhất là tuyển dụng lao động: lựa chọn những người có năng lực chuyên môn đáp ứng được công việc được giao. Thứ hai, đào tạo nâng cao trình độ năng lực chuyên môn người lao động cũng như đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao trong bối cảnh hội nhập nền kinh tế thế giới. Thứ ba, cần phân cấp phân quyền, tự chịu trách nhiệm theo quy định của DN và pháp luật Nhà nước. Thứ tư, giám sát, kiểm soát đảm bảo việc phân công trách nhiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN đúng theo quy chế, nôi quy của DN cũng như việc thực hiện tuân thủ pháp luật.

About vgta

Check Also

Hướng tới chính sách tài khóa bền vững

Tài khóa bền vững đang là một yêu cầu có tính cấp bách, nhất là ...

Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội song hành cùng thách thức

Việt Nam cần thay đổi mô hình tăng trưởng, mô hình công nghiệp hoá, định ...

Luật Hỗ trợ DNNVV: Thu hẹp đối tượng thụ hưởng

Việc bổ sung tiêu chí tham gia BHXH không chỉ thu hẹp đối tượng hỗ ...

Trả lời