Hơn một năm sau cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý về vấn đề tư cách của Vương quốc Anh trong Liên minh châu Âu (EU), tiến trình đàm phán giữa nước Anh và EU về Brexit diễn ra một cách chậm chạp khi quy mô và sự phức tạp của những thách thức mà vấn đề này gây ra đang trở nên rõ ràng hơn.
Nhiều gian nan ở phía trước
Nước Anh giờ đang bị chia rẽ giữa một bên ủng hộ việc ra đi, coi quyết định rời EU là giấc mơ đang trở thành hiện thực và bên kia muốn ở lại, cho rằng đó là một cơn ác mộng. Tuy nhiên, cả hai bên đều không biết rõ Brexit sẽ như thế nào và khi nào sẽ xảy ra.
![]() |
Bộ trưởng Brexit của nước Anh David Davis (trái) và ông Michel Barnier, trưởng đoàn đàm phán về Brexit của EU |
Lucy Harris, người sáng lập nhóm Những người ra đi ở London ủng hộ Brexit, cho biết cô đang hy vọng hơn là tin tưởng rằng nước Anh sẽ thực sự cắt đứt quan hệ với EU. Cô không phải là Brexiter – như cách người ta gọi những người ủng hộ Brexit – duy nhất có sự quan ngại như vậy. Sau cuộc tổng tuyển cử tháng trước cắt bớt vây cánh chính phủ của đảng Bảo thủ, phe ở lại đang thêm tự tin.
Còn Nick Hopkinson, chủ tịch nhóm London4Europe ủng hộ EU, nói: “Kể từ sau cuộc bầu cử, tôi càng thêm lạc quan rằng ít nhất thì chúng tôi đã hướng tới một Brexit mềm và hy vọng là chúng tôi có thể đảo ngược lại hoàn toàn Brexit. Rõ ràng là chính phủ đang rất quyết tâm…”.
Nhiều người ở cả hai phe đã nhận thức được rằng bức tranh Brexit từ giờ sẽ trở nên rõ hơn. Song con đường đi tới Brexit chưa hề suôn sẻ. Trước hết, Chính phủ Vương quốc Anh đã thất bại trong cuộc đấu ở Tòa Tối cao về việc có cần một cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội để khởi động tiến trình Brexit hay không. Ngay sau khi cuộc bỏ phiếu được tiến hành và đạt được kết quả như mong đợi, chính phủ Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May đã chính thức kích hoạt tiến trình Brexit kéo dài 2 năm.
Tiếp đó, bà May đã kêu gọi bầu cử sớm nhằm củng cố vị thế của mình trong các cuộc đàm phán với EU. Song thực tế, cử tri đã làm đảng Bảo thủ của bà May bị mất uy thế đa số tại Quốc hội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lực của bà May và khả năng để bà thống nhất đảng đang bị chia rẽ giữa hai phe ủng hộ và phản đối EU.
Các quan chức EU chỉ trích các đề xuất của nước Anh là mơ hồ và không thích đáng. Vòng đàm phán thực sự đầu tiên về Brexit tại Brussels hồi tuần trước đã không tạo ra bước đột phá, khi trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier cho rằng Vương quốc Anh phải xác định rõ các quan điểm của mình trong các vấn đề then chốt.
Ông Barnier cho rằng những khác biệt “cơ bản” vẫn tồn tại ở một trong những vấn đề lớn nhất – tình trạng pháp lý của 3 triệu công dân EU đang sinh sống ở nước Anh và 1 triệu công dân Anh đang cư trú ở các nước châu Âu khác. Đề xuất của Vương quốc Anh về việc cấp giấy phép thường trú cho các công dân EU ở Anh đã bị Nghị viện châu Âu bác bỏ là không đầy đủ và rắc rối.
Ngoài ra hai bên còn tranh cãi về khoản tiền nhiều tỷ euro mà Vương quốc Anh phải trả để thực hiện những cam kết mà nước này đã đưa ra khi là thành viên EU. Ngoại trưởng Boris Johnson mới đây đã khẳng định rằng EU có thể cứ “thổi còi” nếu cho rằng nước Anh sẽ giải quyết được cái hóa đơn ra đi này. Nhưng ông khẳng định: “Tôi sẽ không nghe thấy bất kỳ tiếng còi nào mà chỉ có tiếng tích tắc của đồng hồ”.
Các quan chức EU khẳng định rằng không thể thảo luận về một thỏa thuận thương mại tương lai với nước Anh trừ phi đạt được “tiến triển thích đáng” về vấn đề quyền lợi của các công dân, hóa đơn ra đi, và tình trạng biên giới Ireland.
Hệ quả đáng lo
Viễn cảnh ra khỏi EU – với thị trường chung về hàng hóa và dịch vụ thông thoáng – và bước vào một thế giới với các khoản thuế quan và rào cản thương mại khiến kinh tế nước Anh thấy lo ngại. Năm ngoái, đồng bảng Anh đã giảm hơn 10% giá trị so với đồng đôla Mỹ, tăng trưởng kinh tế đã chậm lại và sản lượng sản xuất bắt đầu giảm.
Liên đoàn Công nghiệp nước Anh cho rằng sự bất ổn đang đe dọa đến việc làm. Tổ chức này cho rằng để giảm bớt thiệt hại, Vương quốc Anh nên ở lại thị trường chung và liên minh hải quan của EU trong giai đoạn chuyển giao sau Brexit.
Ý tưởng trên đã nhận được sự ủng hộ từ nhiều nghị sĩ, cả thuộc đảng Bảo thủ và Công đảng, song có thể khiến sự phẫn nộ của phe Bảo thủ ủng hộ Brexit đổ lên đầu chính phủ vốn đang lung lay của bà May. Điều đó có thể gây ra một thách thức nữa cho ban lãnh đạo đảng hay thậm chí là một cuộc bầu cử mới, và thêm nhiều trì hoãn và lộn xộn.
Trong khi đó, vị thế của London, một trong hai trung tâm tài chính lớn nhất thế giới cùng với thành phố New York của Mỹ, đang đối mặt với những nguy cơ lớn chưa từng có trong suốt chiều dài hai thế kỷ 20 và 21. London sẽ đối phó với mối đe dọa này thế nào không chỉ là câu hỏi quan trọng đối với nền kinh tế Anh, mà còn với cả các thể chế và đời sống xã hội tại quốc gia này.
Trung tâm tài chính London là một tài sản chiến lược của nước Anh trong suốt 200 năm nay. Tuy nhiên, Brexit đã kéo theo không ít rủi ro. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không ngần ngại công khai nói về hy vọng Paris sẽ được lợi từ việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), một mong muốn mà ông đã nói thẳng tại London sau các cuộc gặp với Thủ tướng Theresa May.
Trong một bản ghi nhớ được tờ The Daily Mail tiết lộ hôm 17/7 vừa qua, Quốc vụ khanh Jeremy Browne, đại diện đặc biệt của London tại EU, nhấn mạnh rằng giới chức thuộc Bộ Kinh tế và Ngân hàng trung ương Pháp, cùng các chính trị gia tại Thượng viện Pháp, đều thẳng thắn nói về mục tiêu sâu xa của họ là sự suy yếu của nước Anh và sự lu mờ của trung tâm tài chính London.
Tuy nhiên, không chỉ mình Paris có tâm lý này. Frankfurt cũng thừa nhận rằng Đức sẽ đề xuất những quy định để bảo vệ người lao động muốn chuyển đổi việc làm từ London. Milan cũng đang muốn tận dụng cơ hội này để trở thành một trung tâm tài chính quan trọng.
Bepi Pezzulli, Chủ tịch Ủy ban kế hoạch tài chính Select Milano, với sự hậu thuẫn của Bộ Tài chính Italy cho biết Milan sẽ xây dựng “một hệ thống pháp lý tương tự như London” để đảm bảo sự chuyển đổi thông suốt cho “các thị trường tài chính, mà vì lý do nào đó về luật pháp và quy định, không thể tiếp tục ở lại London”. Đây có thể xem là một tuyên bố khá tham vọng, nhưng cũng rất nghiêm túc.
Không chỉ có vậy, Dublin, Amsterdam và Stockholm đều đang ra sức cạnh tranh tìm cách lôi kéo các doanh nghiệp từ London về phía mình. Chủ tịch ngân hàng Morgan Stanley, ông Colm Kelleher thậm chí còn dự đoán rằng nhiều doanh nghiệp sẽ chuyển hướng sang New York.
Theo Thoibaonganhang.vn