Tổng thống đắc cử Donald Trump cho rằng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã khiến người dân nước này mất việc làm do thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ đặt cơ sở sản xuất ở nước ngoài, nơi có các tiêu chuẩn về lao động, môi trường và tiền lương thấp hơn.
Trong số các mục tiêu chiến lược cho 100 ngày cầm quyền đầu tiên ông Trump cam kết sẽ “đảo ngược các chính sách kéo dài trong hàng thập kỷ qua khiến người dân Mỹ mất việc làm”. Theo quan điểm này, các FTA hiện nay của Mỹ với châu Âu và châu Á là Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) nhiều khả năng sẽ trở thành quá khứ, còn Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) cũng bị lung lay.
Sửa đổi NAFTA
Ông Trump coi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) là một “thảm họa” đối với người dân Mỹ nên muốn rút khỏi NAFTA. Ông Donald Trump dẫn Điều 2205 của Hiệp định NAFTA, trong đó cho phép Mỹ có thể rút khỏi hiệp định này sau thời điểm 6 tháng kể từ khi đệ đơn bằng văn bản. NAFTA sẽ vẫn có hiệu lực đối với các nước thành viên còn lại.
Cùng lúc đó, theo Điều 2135 Luật về chấm dứt và thẩm quyền rút khỏi các thỏa thuận thương mại, tổng thống có quyền “tại bất cứ thời điểm nào chấm dứt một phần hoặc toàn bộ các thỏa thuận được quy định trong chương này”. Trong tiến trình đàm phán các thỏa thuận thương mại sau này, ông Trump vẫn có thể sẽ sử dụng tới quyền này.
Mặc dù ông Trump chưa công bố chi tiết kế hoạch mới cho NAFTA, song những phát biểu của ông cũng như của các cố vấn của ông cho thấy họ muốn có những thay đổi lớn. Một trong số những thay đổi nhiều khả năng xảy ra nhất sẽ là những mức thuế quan đặc biệt hoặc một số rào cản để giảm bớt thâm hụt mậu dịch của Mỹ với Mexico và những khoản thuế mới đối với những công ty Mỹ chuyển cơ sở sản xuất sang Mexico. Có thể êkip của ông cũng tìm cách bãi bỏ một điều khoản trong NAFTA cho phép các công ty Mexico và Canada kiện chính phủ Mỹ lên tòa án quốc tế.
Những tranh chấp lâu nay giữa Mỹ và các nước láng giềng – trong đó có nhãn mác về nguồn gốc xuất xứ của thịt bò và xuất khẩu gỗ của Canada – có thể được giải quyết trong khuôn khổ NAFTA được sửa đổi. Những tác động tiềm tàng là lớn. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Mỹ với Canada và Mexico trong năm ngoái đạt tổng cộng 1.100 tỷ USD, so với khoảng 700 tỷ USD với Liên minh châu Âu và 600 tỷ USD với Trung Quốc.
Canada và Mexico có sự liên kết qua lại chặt chẽ với Mỹ trong một hệ thống dây chuyền cung ứng phức tạp. Phá bỏ NAFTA sẽ làm đảo lộn vô số ngành công nghiệp và nạn nhân lớn nhất sẽ là Mexico, nước tự quảng cáo là địa chỉ để các hãng chế tạo toàn cầu hưởng sự tiếp cận phi thuế quan vào Mỹ.
Các quan chức Mexico cho biết họ sẵn sàng cập nhật hiệp định đã 22 tuổi này, trong đó có bổ sung những chương mới về thương mại điện tử và một số lĩnh vực khác chưa ra đời vào thời điểm hơn 20 năm trước. Mexico cũng sẽ ký mọi cam kết để ngăn chặn tình trạng lạm dụng tiền tệ trong bối cảnh nước này đã có một đồng tiền được thả nổi.
Ông Trump đã liên tục cảnh báo sẽ áp đặt thuế quan hai con số đối với hàng nhập khẩu từ Mexico nhằm giảm bớt thâm hụt mậu dịch, mà theo ông là thủ phạm khiến người Mỹ mất công việc trong lĩnh vực chế tạo. Mặc dù Quốc hội cho phép Tổng thống có thể áp đặt những mức thuế quan lớn trong trường hợp khẩn cấp, song những động thái như vậy có thể bị kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Số phận hẩm hiu của TPP và TTIP
Ngày 22/11 ông Trump tuyên bố nước Mỹ sẽ rút khỏi TPP trong ngày đầu tiên nhậm chức – ngày 20/1/2017. Ông Trump cam kết sẽ thay đổi các thỏa thuận thương mại vì theo ông, TPP là một “thảm họa cướp mất việc làm của người Mỹ”.
Thay vào đó, ông Trump dự tính sẽ đàm phán song phương với các nước để đạt các hiệp định thương mại riêng rẽ nhằm “mang lại việc làm về cho người Mỹ”. Việc chấm dứt TPP là cam kết chính trong chiến dịch tranh cử của ông Trump. Thỏa thuận này đã “chết yểu” tại Quốc hội Mỹ sau chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử hôm 8/11.
TPP – một sáng kiến ngoại giao của Tổng thống đảng Dân chủ Barack Obama – nhằm mục tiêu giảm bớt các rào cản thuế quan ở các quốc gia vốn đóng góp tới 40% GDP thế giới, đồng thời là một công cụ để chống lại Trung Quốc.
Trong khi đó Brussels cũng cần nhận ra nguy cơ trong quan hệ thương mại với Mỹ khi viễn cảnh của Hiệp định Đối tác thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) cũng đang gặp trắc trở. Mới đây Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã mời ông Trump tham dự một hội nghị thượng đỉnh EU-Mỹ trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm khởi động lại tiến trình đàm phán TTIP.
Khả năng TTIP sẽ được chỉnh sửa, trong đó EU sẽ xác định lại một số điều khoản dù có thể trở nên khó chấp nhận hơn đối với phần lớn các nước thành viên EU nhưng lại dễ được phía Mỹ thông qua.
Viễn cảnh điều chỉnh lại các thỏa thuận thương mại tự do có thể được ông Trump chấp nhận nhưng sẽ đòi hỏi xem xét lại các điều khoản cơ bản. Đối với Canada, Mexico, EU và các nước đối tác khu vực châu Á-Thái Bình Dương, điều này còn đỡ tồi tệ hơn việc hủy bỏ hoàn toàn các thỏa thuận nói trên.
Trong quá trình tranh cử, ông Donald Trump từng tuyên bố sẽ không chỉ xem xét lại vai trò của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà còn tính đến khả năng rút khỏi các FTA.
Tất nhiên, các cam kết tranh cử là một chuyện, còn việc thực hiện lại là vấn đề khác. Mặc dù vậy, nhiều khả năng ông Trump sẽ thực hiện các cam kết trên nhằm làm hài lòng các đại cử tri quan trọng đã ủng hộ mình.
Theo Hoàng Hà, thoibaonganhang.vn