Ủy ban châu Âu (EC) cho biết sẽ nghiên cứu yêu cầu của 3 nước thành viên Đức, Pháp, Italy, liên quan đến việc bảo hộ ngành công nghiệp chủ chốt của họ trước làn sóng ồ ạt mua lại của các công ty nước ngoài.
Dưới áp lực củng cố tương lai của ngành công nghiệp, ba nước Đức, Pháp, Italy đã gửi một bức thư cho Ủy viên phụ trách thương mại EU Cecilia Malmström để yêu cầu có nhiều quyền hơn trong việc xem xét việc mua lại của các doanh nghiệp nước ngoài và nếu cần thiết có thể ngăn chặn các giao dịch dạng này.
![]() |
Ảnh minh họa |
Các nền kinh tế lớn của Liên minh châu Âu (EU) đánh giá rằng yêu cầu của ba nước trên sẽ góp phần tăng khả năng bảo vệ các lợi ích công hiệu quả hơn dựa trên những tiêu chuẩn kinh tế quy định việc mua lại doanh nghiệp bởi các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là những nhà đầu tư nhắm đến các cơ sở hạ tầng chiến lược và công nghệ cao.
Vấn đề các doanh nghiệp nước ngoài mua lại doanh nghiệp bản địa đã trở nên nổi cộm tại nhiều nước châu Âu trong thời gian gần đây. Tại Đức, vào tháng 10/2016, nhà sản xuất Trung Quốc Midea đã mua lại hãng chế tạo robot công nghiệp Kuka và nhà sản xuất vi mạch điện tử Trung Quốc Sanan đã chiếm quyền kiểm soát hãng Optoelectronics. Bộ trưởng Kinh tế Đức đã phải đề xuất kiểm soát chặt chẽ hơn việc mua lại các doanh nghiệp châu Âu đang sở hữu các công nghệ và hạ tầng then chốt.
Cuộc tranh cãi mới xảy ra tại Hà Lan khi Tập đoàn sản xuất sơn và chất phủ Akzo Nobel đã từ chối lần 2 trả giá của công ty Mỹ PPG Industries với số tiền lên tới 22,4 tỷ euro (khoảng 23,9 tỷ USD). Công ty đa quốc gia Hà Lan cho biết việc mua lại như vậy sẽ làm nguy hại nghiêm trọng cho lợi ích quốc gia. Chính vì vậy, Chính phủ Hà Lan đã không ủng hộ việc mua lại này. Không được sự ủng hộ của chính phủ, thì việc mua bán sẽ gặp trở ngại ở cấp độ châu Âu.
Theo EC, về nguyên tắc chung, tất cả các thương vụ ở tầm châu Âu phải được đối chiếu với các Hiệp ước châu Âu và các cam kết quốc tế của EU. Các cuộc điều tra về cạnh tranh được cam kết bởi EC phải dựa trên những sự việc cụ thể và trên cơ sở qui định của luật pháp. Nhiệm vụ của EC là phải đánh giá thường xuyên, với tất cả phương tiện cần thiết, để đáp ứng trước những thay đổi nhanh chóng của toàn cầu hóa.
Mặt khác, qua các vụ việc này nhiều ý kiến bày tỏ lo lắng về khả năng tiếp cận còn hạn chế của các doanh nghiệp châu Âu đối với một số thị trường công của các nước thứ ba, so với việc mở cửa thị trường công của châu Âu. Một thỏa thuận phải được ký kết ở cấp độ châu Âu nhằm chống lại những mất cân bằng này. Vào tháng 1/2016, EC đã đề xuất xem xét lại một cơ chế quốc tế cho phép cải thiện khả năng tiếp cận của doanh nghiệp châu Âu vào thị trường công của các nước thứ ba.
Theo PV, Thoibaonganhang.vn