Dù không đề cập đến bất kỳ một câu từ nào liên quan đến “chiến tranh thương mại” trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội ngày 1/3 nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn cho thấy ông đang tiến rất gần đến việc “gọi tên” cuộc chiến tranh này. Vấn đề có lẽ chỉ là thời điểm nào thích hợp.
Thương mại là nguồn cơn
Tổng thống Trump đã sử dụng bài diễn văn này để vẽ lên một bức tranh bi đát về nền kinh tế Mỹ: 43 triệu người Mỹ đang sống trong nghèo đói; gần 1/5 người Mỹ không có được việc làm trong những năm đầu gia nhập lực lượng lao động; sự phục hồi của kinh tế Mỹ gần đây là yếu nhất trong 65 năm qua, hơn 1/4 việc làm trong khu vực sản xuất bị mất đi kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) có hiệu lực; 60.000 nhà máy biến mất kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001…
Chính quyền mới của Mỹ cho thấy quyết tâm theo đuổi chủ nghĩa
bảo hộ thương mại
Và nguồn cơn của tất cả những tồn tại đó, theo ông Trump, chính là vấn đề thương mại. Ông tuyên bố: “Tôi sẽ không để cho nước Mỹ, các DN Mỹ và những người lao động Mỹ tuyệt vời bị lợi dụng nữa”.
Như vậy, dù bài diễn văn đầu tiên trước Quốc hội của ông Trump được xem là khá “xuống giọng” và hiền lành so với những ngôn từ mạnh và có phần “hiếu chiến” thường xuyên được sử dụng trong chiến dịch tranh cử, nhưng quan điểm của ông về thương mại dường như chưa thay đổi. Và nó ít nhiều gửi đi những cảnh báo tới các CEO, các nhà kinh tế và nhà đầu tư Mỹ.
“Công việc của tôi không phải là đại diện cho thế giới. Công việc của tôi là đại diện cho nước Mỹ” – đây được xem là một trong những tuyên bố táo bạo và mạnh mẽ nhất của ông Trump và cho thấy một “học thuyết Trump” như vậy sẽ điều chỉnh các chính sách về ngoại giao và thương mại của Mỹ. Nhà kinh tế Ed Yardeni cho rằng, ông Trump đang cho thấy một cách rõ ràng rằng, những gì ông ấy đã hứa trên mặt trận kinh tế sẽ được thực hiện.
Ông Trump cũng nhắm vào vấn đề thâm hụt thương mại của Mỹ trong bài phát biểu của mình, cho biết Mỹ đã chịu mức thâm hụt lên tới 800 tỷ USD về hàng hóa trong năm ngoái.
“Hiện nay, khi DN chúng ta xuất khẩu hàng hóa, nhiều nước buộc chúng ta phải trả mức thuế phí rất cao trong khi đổi lại Mỹ gần như chẳng yêu cầu gì khi nhập khẩu hàng hóa của họ” – ông Trump nói. Vì thế ông Trump tái cam kết sẽ tạo ra một sân chơi thương mại công bằng – một chủ đề mà ông rất ưa thích trong chiến dịch tranh cử.
Hướng tới sân chơi công bằng kiểu Mỹ
Để minh họa cho quan điểm của mình, Trump kể một câu chuyện liên quan hãng xe máy Harley-Davidson của Mỹ. Khi Giám đốc điều hành hãng xe này đến thăm Nhà Trắng gần đây, ông Trump đã hỏi về vướng mắc kinh doanh lớn nhất mà DN này đang gặp phải. Vị Giám đốc cho biết xe của họ bị các nước đánh thuế cao. “Nhưng thậm chí Harley-Davidson không có yêu cầu phải thay đổi. Còn tôi thì không, tôi sẽ hành động” – ông Trump nói.
Tổng thống Mỹ cũng nói đến những chi tiết mới, đơn cử như các đường ống mới của Mỹ phải được từ thép của Mỹ và rằng ông sẽ khiến các DN muốn rời khỏi Mỹ sang các nước khác phải gặp khó khăn hơn nhiều. Thậm chí, ông còn trích dẫn lời của cố Tổng thống Abraham Lincoln về giải thích vì sao việc nước Mỹ có “chính sách bảo hộ” là đúng.
Những phát biểu như vậy của ông Trump cho thấy ông sẽ tiếp tục có những hành động cứng rắn về thương mại như đã cam kết. Ông vẫn tiến tới thực hiện những chính sách như vậy vào một thời điểm mà phần lớn các nhà kinh tế – được khảo sát bởi CNNMoney gần đây – cho rằng, chương trình nghị sự về bảo hộ thương mại của ông Trump sẽ là mối đe dọa số 1 đối với sự phát triển của kinh tế Mỹ.
Nhà kinh tế Lynn Reaser của trường Point Loma Nazarene cho rằng, rủi ro của bất kỳ động thái bảo hộ từ Mỹ là sẽ có thể kích hoạt các biện pháp trả đũa của các quốc gia khác và kết cục là thương mại và tăng trưởng của các bên cùng đi xuống. Và trong khi các chuyên gia vẫn không ngừng cảnh báo việc ông Trump hành động theo các cam kết có thể gây ra một cuộc chiến thương mại thì những người ủng hộ lại vẫn muốn ông hành động
Như tại bang Michigan (nơi ông Trump chỉ thắng 10.704 phiếu phổ thông), nhiều người ủng hộ ông bày tỏ rất ghét hiệp định NAFTA. Họ cho rằng hiệp định này khiến Michigan mất đi rất nhiều việc làm trong ngành sản xuất.
“Mọi người đang nói về khả năng Tổng thống sẽ bắt đầu một cuộc chiến tranh thương mại, nhưng chúng tôi thì đang ở trong cuộc chiến thương mại ấy rồi, có chăng chỉ là chúng tôi không làm gì được với nó” – Bryan DeHenau, một cử tri ủng hộ ông Trump ở bang Michigan và là người điều hành một DN nhỏ nói.
Sự khác biệt giữa nguyện vọng của các cử tri, người lao động ủng hộ ông Trump với các khuyến nghị của các CEO hay các nhà kinh tế như trên xem ra vẫn còn tồn tại dai dẳng. Theo đó, sẽ có những hành động quyết liệt được Tổng thống Mỹ đưa ra nhưng cũng sẽ có những điều chỉnh diễn ra cho phù hợp.
Theo Hồng Quân, thoibaonganhang.vn