Ngày càng có nhiều người dân châu Âu muốn từ bỏ đồng Euro, quay về sử dụng đồng tiền riêng của quốc gia họ.
Châu Âu không phải là một quốc gia
Là người từng rất vui mừng khi Tây Ban Nha gia nhập khu vực đồng tiền chung Eurozone, nhưng bây giờ Sergi Cutillas lại muốn nước mình rút khỏi khối này. “Khu vực đồng Euro đã thất bại. Đây là một thử nghiệm tồi và chỉ là một sự mơ tưởng”, người này cho biết.
Sergi Cutillas, 34 tuổi, là một chuyên gia kinh tế và hiện muốn Tây Ban Nha từ bỏ đồng Euro. Mong muốn của Cutillas không phải là trường hợp đơn lẻ, bởi theo cuộc thăm dò mới nhất của Liên minh châu Âu, có tới 25% những người muốn từ bỏ đồng tiền chung này.
![]() |
Những chia rẽ trong Eurozone khiến tương lai đồng Euro khó đoán định |
Mối đe dọa đối với đồng Euro có lẽ đang gay gắt nhất tại Pháp, quốc gia mà vào ngày chủ Nhật tới, mọi người sẽ bỏ phiếu vòng đầu tiên cuộc bầu cử Tổng thống mà lợi thế đang nghiêng về phía bà Marine Le Pen – người có quan điểm chống toàn cầu hóa và ủng hộ việc rút nước Pháp khỏi khối đồng tiền chung Euro. Các cuộc thăm dò dư luận đều nghiêng về khả năng nhân vật này sẽ chiến thắng ở vòng bầu cử thứ nhất này, tuy nhiên sẽ thất bại tại vòng hai diễn ra vào ngày 7/5 tới.
Trong gần 2 thập kỷ qua, đồng Euro được xem là biểu tượng lớn và dễ thấy nhất cho nỗ lực lâu dài của châu Âu trong hội nhập kinh tế và tiền tệ. Nhưng đến hiện nay, dường như đồng tiền chung này đang thực sự bị đe dọa bởi các chính trị gia dù thuộc cánh tả hay cánh hữu ở nhiều quốc gia trong khu vực.
Vậy lý do vì sao mà ngày càng có nhiều người châu Âu muốn từ bỏ đồng Euro như vậy?
Đối với Alberto Bagnai, một học giả người Italia, một lý luận rất giản đơn là các nước châu Âu không giống nhau, và vì vậy họ không nên sử dụng cùng một loại tiền tệ. “Luận điểm cơ bản là chúng ta không thể có một quốc gia liên bang cho các công dân đến từ các quốc gia có quá khứ văn hoá khác nhau. Và khi không có một nhà nước châu Âu chung như vậy thì cũng không thể có một đồng tiền chung cho cả châu Âu” – ông Alberto Bagnai lý giải.
Tại châu Âu, người ta thấy có những nước giàu hơn, có những nước nghèo hơn cũng giống như các bang ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, không giống như Hoa Kỳ, khu vực Eurozone không có một chính phủ trung ương để quyết định về các chính sách chi tiêu, thuế và ngân sách.
“Nếu người ta luôn có ý thức Hoa Kỳ là một quốc gia liên bang thì châu Âu – nơi có ít triển vọng thống nhất về chính trị – không như vậy. Các quốc gia giàu có hơn như Đức trước sau gì sẽ kết thúc vai trò là “nhà cung cấp tiền vĩnh cửu” cho những nước nghèo. Nước Đức không muốn điều này và chúng ta cũng nên ngừng nói đến chuyện cổ tích đó” – Bagnai nói.
Và tương lai đồng Euro khó đoán định
Nhưng sự phân rẽ sâu sắc như vậy không phải lúc nào cũng rõ ràng. Đơn cử, lãi suất mà các nước Tây Ban Nha, Hy Lạp và Italia cần phải trả cho các chủ nợ đã tụt giảm nhanh chóng sau khi họ gia nhập đồng Euro, qua đó dường như giúp các nước này có vị thế ngang bằng với Đức.
Theo Bagnai, khi các nhà đầu tư nhìn vào lãi suất danh nghĩa như vậy thì sẽ nghĩ rằng Hy Lạp đã trở thành Đức nhưng thực sự đó chỉ là một “ảo ảnh quang học”. Bởi sau này khi cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra, các vết nứt và phân rẽ trong liên minh tiền tệ này bắt đầu bộc lộ.
Như tại Tây Ban Nha, các nhà hoạch định chính sách đã không thể làm cho đồng Euro rẻ hơn để chống lại sự sụp đổ của bong bóng bất động sản và khủng hoảng nợ. Thay vào đó, Madrid đã buộc phải giảm chi tiêu và triển khai một chương trình thắt lưng buộc bụng – những chính sách khiến tiêu chuẩn sống ở nước này nhanh chóng bị sụt giảm mạnh. “Tỷ lệ thất nghiệp lên tới 20% hiện nay ở Tây Ban Nha chính là hệ quả trực tiếp của đồng Euro”, nhà kinh tế học Cutillas khẳng định.
Theo Cutillas, nhiều người dân Tây Ban Nha, sau bao năm chịu đựng bạo lực độc tài dưới thời Francisco Franco, nên đã ủng hộ đồng Euro vì nó liên quan đến sự tiến bộ, hiện đại và hòa bình. Tuy nhiên với các nhà kinh tế học, điều đó là không đủ. “Thật tốt khi có thể đi du lịch một cách dễ dàng, có phương tiện thanh toán dễ dàng nhờ khu vực Eurozone, nhưng những lợi thế như vậy không khỏa lấp được những gì đang xảy ra với đồng Euro”, ông nói.
Hy Lạp có thể xem là một ví dụ điển hình về sự phân rẽ giữa các nước giàu có ở Bắc Âu với các nền kinh tế yếu kém của lục địa già này. Đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ của mình, Athens đã buộc phải đồng ý với các chương trình khắc khổ mạnh mẽ để đổi lấy các gói cứu trợ lặp đi lặp lại. Theo đó, lương, lương hưu và các chi tiêu của chính phủ đã bị cắt giảm đáng kể.
Fotis Panagiotopoulos, một công nhân bến tàu tại Cảng vụ Athens, là một trong những người đã phải ngay lập tức nếm trải hậu quả của các chương trình khắc khổ như vậy. Mức lương của ông đã giảm 50% kể từ khi cuộc khủng hoảng Hy Lạp nổ ra năm 2010. Vợ ông cũng không thể tìm được một công việc ổn định.
“Những gì mà chúng ta đang trải qua ở Hy Lạp là một cái chết từ từ. Sẽ không có cách nào thoát ra trừ khi chúng ta thoát khỏi hoàn toàn chu kỳ nợ này” – Panagiotopoulos nói và cho biết: “Tôi muốn Hy Lạp thoát khỏi đồng Euro và bắt đầu lại. Chúng tôi chỉ muốn chắc chắn rằng, chúng tôi và con cái của chúng tôi có thể có một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng tôi không thấy điều này có thể đến nếu tiếp tục với đồng Euro”.
Ireland là một trường hợp khác. Trong những năm đầu khi Eurozone được xác lập, quốc gia này đã có được mức tăng trưởng bùng nổ tới 6,5%/năm trong giai đoạn 1999-2007 và dẫn tới một nền kinh tế bong bóng. Nhưng do Euro là đồng tiền chung, Ireland không kiểm soát được lãi suất nên không thể làm xẹp được bong bóng này. Và khi bong bóng vỡ, nó đã đẩy hệ thống ngân hàng Ireland đến bờ vực sụp đổ, đồng thời buộc Ireland tiến đến một lựa chọn giống như các nước khác trong khu vực, đó là cắt giảm chi tiêu.
Theo Keith Redmond, một nha sĩ và là chính trị gia địa phương ở Dublin, dù kinh tế Ireland sau đó đã dần hồi phục trở lại nhưng vấn đề của đồng Euro vẫn còn đó. “Lỗ hổng cơ bản vẫn còn đó và hoàn toàn có thể xảy ra lần nữa bởi chúng tôi không có sự linh hoạt trong hệ thống tiền tệ để đối phó với một cú sốc trong tương lai”, ông nói.
Đây cũng là quan điểm được nhà kinh tế người Pháp Vincent Brousseau đưa ra. Chuyên gia từng có 15 năm làm việc cho NHTW châu Âu (ECB) này cho rằng, việc giá trị đồng Euro đang được đánh giá quá cao hay bị định giá thấp với nước Pháp không quan trọng. Vấn đề nằm ở chỗ Pháp không thể đưa ra được các quyết định của riêng mình khi lãi suất đồng Euro được ECB ấn định chung cho tất cả các nước thành viên.
Những bàn luận là vậy nhưng đến đây, khi nói về tương lai đồng Euro sẽ thế nào thì quan điểm rất khác nhau. Có ý kiến cho rằng, quốc gia mình nên từ bỏ hẳn đồng Euro và quay về sử dụng đồng tiền riêng. Lại có quan điểm cho rằng, nên song song sử dụng đồng Euro và đồng nội tệ của mỗi quốc gia. Và có lẽ, đồng Euro sẽ vẫn tồn tại hàng thập kỷ nữa trước khi số phận cuối cùng của nó được định đoạt.
Theo Hồng Quân, Thoibaonganhang.vn