Hội nghị Thượng đỉnh EU vừa kết thúc mà không đạt được sự đồng thuận về một văn bản cuối cùng như thường lệ.
Tương lai nào cho EU?
Hội nghị diễn ra trong hai ngày 9-10/3 lần này đánh dấu lần cuối cùng có sự tham dự của Thủ tướng Vương quốc Anh Theresa May, trước khi bà kích hoạt Điều 50, để bắt đầu tiến trình kéo dài 2 năm đưa nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Sau khi Thủ tướng Theresa May về nước, các thủ tướng và tổng thống của 27 nước thành viên EU đã nhóm họp trong ngày họp thứ hai. Khi bàn về chủ đề kỷ niệm 60 năm Hiệp ước Rome, vốn mở đường cho sự hội nhập châu Âu, các cuộc thảo luận về con đường mà EU nên theo đuổi thời hậu Brexit lại càng khó khăn hơn.
![]() |
Hội trường diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh EU |
Phát biểu trong một cuộc họp báo với ông Tusk ngày 10/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho rằng đối với một số đối tác, ý tưởng châu Âu đa tốc độ được coi là sự khởi đầu cho một tuyến phân chia mới, một kiểu bức màn sắt mới chia rẽ Đông và Tây Âu. Đó không phải là mục tiêu mà châu Âu nhắm tới. Trong bối cảnh này, ông Tusk kêu gọi các nước thành viên cùng nỗ lực để duy trì sự đoàn kết chính trị giữa 27 quốc gia thành viên. Ông nhấn mạnh khi cân nhắc về ý tưởng một châu Âu đa tốc độ, sự đoàn kết giữa 27 nước sẽ là tài sản quý giá nhất.
Các cuộc thảo luận về tương lai của EU sẽ còn tiếp diễn và viễn cảnh này sẽ chỉ sáng tỏ hơn đôi chút khi lãnh đạo các nước EU (trừ nước Anh) sẽ đưa ra một tuyên bố về tương lai châu Âu vào cuối tháng 3 tại Hội nghị thượng đỉnh Rome, nơi được kỳ vọng sẽ phác ra được một lộ trình cho EU thời hậu Brexit.
Bất chấp những bất đồng và cả sự giận dữ tại hội nghị lần này, các lãnh đạo EU đều khẳng định rằng đây là lần đầu tiên trong gần một thập kỷ, cả 28 nền kinh tế của EU được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trong 2 năm tới. Họ đã nhất trí rằng “tinh thần lạc quan” này cần được duy trì bằng cách tiếp tục các nỗ lực cải cách cơ cấu và “hành động xác định”.
Theo văn bản kết luận của ông Tusk, thương mại vẫn là một trong những động lực mạnh mẽ nhất cho đà tăng trưởng kinh tế, khi thúc đẩy hàng triệu việc làm và đóng góp cho sự thịnh vượng.
Bên cạnh đó, các lãnh đạo nhất trí rằng EU cần phải tiếp tục hợp tác tích cực với các đối tác thương mại quốc tế, đồng thời kiên quyết theo đuổi các cuộc đàm phán sắp tới về thỏa thuận tự do thương mại, bao gồm thỏa thuận với khối thương mại Mercosur, Mexico và Nhật Bản. Ngoài ra, mối quan hệ thương mại với Trung Quốc cũng cần được củng cố dựa trên nền tảng thấu hiểu lẫn nhau vì những lợi ích chung.
Ông Donald Tusk tái đắc cử
Bất chấp sự phản đối của Chính phủ Ba Lan, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk đã tái đắc cử để tiếp tục duy trì chức vụ này thêm 30 tháng nữa, đến năm 2019. Chính phủ Ba Lan, cũng đề cử một ứng cử viên của mình vào vị trí này, biện luận rằng ông Tusk đã ủng hộ phe đối lập trong nước và đã thất bại trong việc bảo vệ lợi ích của Ba Lan tại EU. Phát biểu hôm 10/3, Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo phản bác quyết định của hội nghị tái bổ nhiệm ông Tusk, và nhấn mạnh: “Ba Lan không đồng ý với việc này và khẳng định sẽ không thừa nhận bất cứ văn bản nào từ hội nghị”.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo khác trong EU lại cho rằng ông Tusk là người phù hợp nhất với vị trí Chủ tịch EC. Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận định: “Việc ông Tusk tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ Chủ tịch EC là dấu hiệu về sự ổn định của EU. Tôi rất mong được tiếp tục hợp tác với ông ấy”.
Trong thời gian gần 30 tháng qua, ông Tusk được các thành viên EU – trừ chính phủ hiện tại ở Ba Lan – đánh giá cao và công nhận đã làm tốt sứ mệnh của mình, giúp châu Âu vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Trước đó, Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo tuyên bố sẽ tìm mọi cách để ngăn cản ông Tusk tái đắc cử Chủ tịch EC. Chính phủ cánh hữu của Ba Lan cũng đã đe dọa làm “chệch hướng” hội nghị, nếu lãnh đạo EU tiến cử và một lần nữa bầu ông Tusk tiếp tục giữ chức Chủ tịch EC. Phía Ba Lan cho rằng việc EU tái bổ nhiệm ông Tusk sẽ hủy hoại tính thống nhất đang rất mong manh của toàn khối.
Theo kết quả được công bố ngay sau cuộc bỏ phiếu, ông Tusk đã giành chiến thắng với sự ủng hộ của 27 nước thành viên EU và chỉ có một nước phản đối. Ba Lan – quê hương của ông Tusk – đã không ủng hộ vị đương kim Chủ tịch EC tái ứng cử vào chức vụ này. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà lãnh đạo châu Âu ủng hộ một người bị chính quê hương “hắt hủi”.
Ông Tusk vốn là cựu Thủ tướng Ba Lan, giữ chức Chủ tịch EC từ năm 2014 và sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 5/2017. Đầu tháng 2 vừa qua, ông tuyên bố tái tranh cử nhiệm kỳ mới (từ tháng 5/2017 đến tháng 11/2019) và nhận được sự ủng hộ của đa số thành viên EU, trong đó có Đức, Hà Lan. Ông Tusk sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 31/5/2017.
Theo Trà My, thoibaonganhang.vn