Nội các của chính quyền thủ tướng Shinzo Abe đang dự tính đẩy mạnh vai trò của chính sách tài khóa trong năm tiếp theo tại cuộc họp đề xuất về mức chi tiêu ngân sách cho năm tài khóa bắt đầu từ tháng 4 năm sau.
Trong bản kế hoạch được trình cho Đảng dân chủ tự do thông qua (Đảng LDP) vào đầu tuần này, chính sách tài khóa được coi là một ưu tiên để kích thích tăng trưởng kinh tế bên cạnh việc tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng.
Chính sách tài khóa sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế Nhật Bản
Như vậy, Nhật Bản đang đi theo trào lưu của một số quốc gia trên thế giới khi chuyển định hướng kích thích kinh tế sang tập trung vào chính sách tài khóa sau một thời gian việc áp dụng các chính sách tiền tệ siêu nới lỏng không đạt được kết quả như mong muốn. Gần đây nhất, Mỹ đã là quốc gia đi theo trào lưu này khi tổng thống mới đắc cử ông Donald Trump đã cam kết sẽ chi 550 tỷ USD vào đầu tư cơ sở hạ tầng và cắt giảm thuế.
Trên thực tế, kích thích tài khóa được coi là mũi tên thứ hai trong kế hoạch cải cách kinh tế của Thủ tướng Abe và việc triển khai mũi tên này càng được đặt ra mạnh mẽ trong những tháng gần đây khi kinh tế Nhật Bản phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Sản lượng công nghiệp sụt giảm, thâm hụt thương mại quốc tế gia tăng, đồng Yên tiếp tục tăng giá và đặc biệt nền kinh tế ngày càng lún sâu vào giảm phát cho thấy những chính sách nới lỏng tiền tệ từ trước đến nay hầu như không phát huy hiệu quả rõ rệt. Điều này đã khiến tỷ lệ hộ gia đình ở Nhật Bản đặt niềm tin vào năng lực điều hành và chính sách chính quyền Abe cũng rơi xuống mức thấp nhất trong bảy năm qua.
Trong một nỗ lực cứu vãn tình thế, Chính phủ Shinzo Abe đã quyết định thông qua gói kích thích 28.100 tỷ Yên vào đầu tháng 8. Xét về quy mô tổng thể, đây là gói kích thích kinh tế có quy mô lớn thứ ba của Chính phủ Nhật Bản kể từ khi xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.
Trong 28.100 tỷ Yên này, khoảng 7.500 tỷ Yên là do Ngân hàng trung ương và ngân sách địa phương trực tiếp chi; khoản vay và đầu tư tài chính khoảng 6.000 tỷ Yên, hơn một nửa số tiền còn lại là khoảng 14.600 tỷ Yên sẽ lấy từ các tổ chức tài chính và khu vực đầu tư tư nhân. Bên cạnh đó, để đảm bảo tính khả thi của gói kích thích kinh tế, Chính phủ Nhật Bản sẽ phát hành 3.000 tỷ Yên trái phiếu chính phủ với hình thức trái phiếu xây dựng.
Gói kích thích 28.100 tỷ Yên được coi là bước đi táo bạo của ông Shinzo Abe, và sẽ được “phát triển” hơn nữa trong tương lai nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Theo ông Abe, số tiền này sẽ được dùng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện cơ cấu dân số, trợ cấp cho nhóm người có thu nhập thấp, huy động tài chính lãi suất thấp cho các DNVVN có thể bị ảnh hưởng từ Brexit, cũng như tiếp tục hỗ trợ các địa phương tái thiết sau thiên tai – động đất.
Mặc dù gói kích thích của Chính phủ Nhật Bản đã được thông qua với nhiều hạng mục đầu tư cụ thể; tuy nhiên có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh gói kích thích lần này. Một bộ phận không nhỏ cho rằng tác động thực tế của gói kích thích đối với tăng trưởng kinh tế sẽ là rất khiêm tốn, đặc biệt là khi thiếu đi sự phối hợp đồng bộ với những thay đổi về mặt cơ cấu.
Bên cạnh đó, nguồn tiền của gói kích thích kinh tế được cho là không đảm bảo nhất là khi tình hình tài chính Nhật Bản vốn dĩ đang “giật gấu vá vai”, nợ chính phủ vượt trên 1 triệu tỷ Yên, khoảng 2,32 lần GDP cả nước, trong khi thặng dư tài khoản tài chính năm 2015 chỉ có 254,4 tỷ Yên.
Việc phát hành 3.000 tỷ Yên trái phiếu chính phủ dưới hình thức trái phiếu xây dựng chắc chắn sẽ dẫn tới tình hình tài chính xấu đi, làm cho mục tiêu thực hiện thặng dư cán cân tài chính vào năm 2020 khó khăn hơn.
Không chỉ vậy, việc Chính phủ Nhật Bản hướng trọng tâm của gói kích thích kinh tế này vào chi tiêu công và xây dựng cơ sở hạ tầng, như những khoản “đầu tư hướng đến tương lai”, cũng có nghĩa là chưa thể trông đợi những bước đột phá trong ngắn hạn đang rất cấp thiết ở thời điểm hiện tại.
Những vấn đề còn tồn tại ở trên đã đặt ra yêu cầu Chính phủ Nhật Bản sẽ phải tiếp tục thực hiện những cải cách mạnh mẽ về chính sách tài khóa hơn nữa và điều này đang được thể hiện trong bản dự thảo ngân sách cho năm tài khóa mới.
Mặc dù cho đến thời điểm hiện tại, bản dự thảo chi tiêu ngân sách cho năm tài khoán 2017 vẫn chưa công bố chính thức các mức độ chi tiêu, tuy nhiên nó cũng đã liệt kê chi tiết các nguyên tắc dẫn dắt cho năm tài khóa sắp tới, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn chi dành cho chăm sóc y tế, giáo dục, nghiên cứu và phát triển.
Dự thảo cũng nhấn mạnh đến các giải pháp giúp tăng mức thu nhập và điều kiện việc làm, một hướng đi phù hợp nhằm kích thích hoạt động tiêu dùng đang ở trong tình trạng đình trệ.
Ngoài ra, trong cuộc họp ngày 18/11, Thượng viện Nhật Bản đã quyết định thông qua luật sửa đổi về thuế tiêu dùng của nước này, theo đó sẽ hoãn việc tăng thuế từ mức 8% lên 10% thêm 2 năm rưỡi, tức là đến tháng 10/2019. Đây cũng được coi là một nỗ lực trong chính sách tài khóa nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế của chính phủ Nhật Bản.
Theo Minh Đức, thoibaonganhang.vn