(DĐDN) – Trong những năm tiếp theo thị trường trái phiếu sẽ phát triển theo hướng đa dạng hóa các sản phẩm trái phiếu Chính phủ để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, nghiên cứu triển khai sản phẩm mới như trái phiếu có lãi suất thả nổi.

Trong những năm tiếp theo thị trường trái phiếu sẽ phát triển theo hướng đa dạng hóa các sản phẩm trái phiếu Chính phủ để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, nghiên cứu triển khai sản phẩm mới như trái phiếu có lãi suất thả nổi. (Ảnh minh hoạ)
Theo Bộ Tài chính, mặc dù đạt được kết quả tích cực trong năm 2016 song thị trường trái phiếu Việt Nam về cơ bản quy mô còn nhỏ, chỉ chiếm 36,9% GDP; thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển (đến hết năm 2016 chỉ chiếm 5,27% GDP), các doanh nghiệp vẫn chủ yếu huy động vốn qua kênh tín dụng ngân hàng.
Do đó, về định hướng phát triển thị trường trái phiếu trong những năm tiếp theo, Bộ Tài chính yêu cầu phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ trở thành thị trường chuẩn cho thị trường tài chính, làm nòng cốt để phát triển thị trường trái phiếu. Đa dạng hóa các sản phẩm trái phiếu Chính phủ để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, tiếp tục phát hành kỳ hạn 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm nhằm kéo dài kỳ hạn của danh mục nợ Chính phủ theo hướng bền vững; nghiên cứu triển khai sản phẩm mới như trái phiếu có lãi suất thả nổi.
Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu ổn định, cấu trúc hoàn chỉnh, mở rộng cơ sở nhà đầu tư, tăng quy mô và chất lượng hoạt động, đảm bảo thị trường hoạt động hiệu quả và trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế; bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và chủ động hội nhập thị trường quốc tế; trong năm 2017 và các năm tiếp theo Bộ Tài chính cũng yêu cầu tập trung vào các giải pháp cụ thể:
Về khung khổ chính sách: Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các chủ thể huy động vốn qua thị trường trái phiếu, thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư dài hạn, tăng cường công khai minh bạch trong quá trình huy động vốn trái phiếu.
Theo đó, trong năm 2017 Bộ Tài chính dự kiến sẽ ban hành các chính sách: trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn đến 2030 với đầy đủ các giải pháp để phát triển thị trường trái phiếu. Trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu, tăng cường minh bạch hóa và công khai thông tin trong quá trình huy động vốn.
Ban hành Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 88/2016/NĐ-CP về chương trình hưu trí tự nguyện để thúc đẩy sự ra đời của hệ thống quỹ hưu trí tự nguyện tại Việt Nam (iv) ban hành Thông tư mua lại trái phiếu Chính phủ để thực hiện tái cơ cấu danh mục nợ Chính phủ (vi) Đánh giá quá trình triển khai Nghị định số 01/2011/NĐ-CP ngày 5/1/2011 về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương.
Về cầu của thị trường: Đa dạng hóa các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu, tập trung phát triển nhà đầu tư dài hạn để tạo cầu bền vững thông qua nhiều giải pháp như: Xây dựng lộ trình thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường trái phiếu.
Bên cạnh đó sẽ phát triển các định chế trung gian và hạ tầng của thị trường. Ngoài ra, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tạo sự liên kết giữa thị trường trái phiếu trong nước với thị trường trái phiếu khu vực và thế giới nhằm tận dụng các cơ hội và tiềm năng để phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam theo thông lệ quốc tế.
Theo Châu Huệ, Enternews.vn