Tin mới nhất
Home / Kinh tế xã hội / kinh tế quốc tế / APEC đề cao tự do thương mại và đầu tư

APEC đề cao tự do thương mại và đầu tư

Tuần lễ và Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2016  vừa diễn ra tại Lima (Peru) từ ngày 14 đến 20/11, với chủ đề “Tăng trưởng chất lượng và phát triển nguồn nhân lực: Những nền tảng cho tăng trưởng bền vững ở châu Á – Thái Bình Dương”.  

Thúc đẩy thương mại và đầu tư

Các nhà lãnh đạo, quan chức cấp cao và doanh nhân đến từ 21 nền kinh tế thành viên của APEC đã tụ họp và thảo luận về tương lai của các chính sách thương mại quốc tế, tăng trưởng kinh tế và cải thiện điều kiện sống.

Chương trình nghị sự trong hai ngày 19-20/11 của Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 24 tập trung thúc đẩy bốn ưu tiên chính gồm: Liên kết kinh tế khu vực và tăng trưởng chất lượng; thị trường lương thực khu vực; hiện đại hóa doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; và phát triển nguồn nhân lực.

Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo APEC đã đạt bước tiến mới về liên kết, kết nối khu vực với việc thông qua Tuyên bố với hai văn kiện kèm theo, có ý nghĩa định hướng hợp tác dài hạn của APEC về liên kết kinh tế và dịch vụ, gồm “Tuyên bố Lima về Khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương” và “Lộ trình về năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ”.

Trong đó có việc giảm các rào cản đối với ngành dịch vụ, nâng tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ của khu vực trong tổng xuất khẩu dịch vụ của thế giới và nâng mức tăng trưởng của ngành dịch vụ trong APEC lên hơn 6,8%/năm. Tuyên bố của các nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết duy trì vai trò tiên phong của APEC trong tự do hóa thương mại và đầu tư, tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Trong khoảng thời gian hơn 10 năm đầu của APEC, từ năm 1989 đến năm 2000, hầu hết các rào cản thương mại thông thường đã được giảm xuống mức thấp. Chính phủ các nước châu Á – Thái Bình Dương thừa nhận tham gia vào thị trường toàn cầu là vì lợi ích của chính họ và mức sống đã tăng lên nhanh hơn ở những nền kinh tế mở cửa và cạnh tranh thương mại.

Tại Hội nghị cấp cao ở Peru kỳ này, các nhà lãnh đạo APEC đã khẳng định quyết tâm thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, tăng trưởng và phát triển nguồn nhân lực, thể hiện vai trò năng động, tiên phong của APEC là Diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực.

Tương lai các thỏa thuận toàn cầu

Quyết định của cử tri Vương quốc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (còn gọi là Brexit) và cuộc khủng hoảng di cư mà Liên minh châu Âu (EU) phải đối mặt đã làm dấy lên không ít lo ngại về vấn đề hội nhập kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, những cam kết của các thành viên APEC có thể sẽ là động lực đáng kể cho nền kinh tế thế giới.

Mặc dù ban đầu APEC chỉ được xem là diễn đàn để các nhà lãnh đạo khu vực gặp gỡ nhau và có những trao đổi mang tính ngoại giao, song các thành tựu của APEC, dựa trên nền tảng hợp tác sâu rộng giữa các chính phủ và doanh nghiệp, đã cho phép diễn đàn kinh tế này mở rộng hơn nữa vai trò của mình và thúc đẩy sự ổn định của toàn khu vực.

Trọng tâm chính của Hội nghị cấp cao APEC 2016 chính là các vấn đề thương mại thế giới, trong bối cảnh làn sóng phản đối toàn cầu hóa có chiều hướng gia tăng ở các nước châu Âu và Mỹ. Ngoài Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) có nguy cơ “bị gạt bỏ” sau khi tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa EU và Mỹ chắc sẽ đối mặt với tương lai mờ mịt hơn.

Trước đó, quá trình đàm phán kéo dài 7 năm để hoàn tất Hiệp định thương mại và kinh tế toàn diện Canada – EU (CETA) suýt chút nữa đã bị đổ bể do sự phản đối của vùng Wallonie của Bỉ.

Đây được xem là “thang thuốc đắng” đối với Tổng thống Obama, người từng hy vọng TPP sẽ giúp định hình trật tự thương mại khu vực. Trái lại, Hội nghị APEC ở Peru năm nay chính là cơ hội để Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi sự ủng hộ của các thành viên APEC đối với hai hiệp định quan trọng mà họ đang thúc đẩy là Hiệp định Khu vực Thương mại Tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP) bao trùm 21 nền kinh tế thành viên và RCEP – một thỏa thuận gồm 16 nền kinh tế, trong đó có các quốc gia Đông Nam Á và Ấn Độ song không có Mỹ.

Trên thực tế, các thỏa thuận thương mại đã rộ lên tại châu Á trong vài năm trở lại đây trong bối cảnh những nỗ lực thúc đẩy các hiệp định toàn cầu thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày càng trở nên khó khăn.

Theo nghiên cứu mà APEC tiến hành và công bố trong cuộc họp tuần qua, tính tới tháng 12/2015, đã có 145 thỏa thuận được các nước thành viên ký kết, và ít nhất 30 thỏa thuận trong số này đã được triển khai từ năm 2008. Giới chuyên gia cho rằng xu hướng này sẽ càng tăng lên sau khi ông Trump lên nắm quyền và làn sóng phản đối thương mại tự do hiện hữu.

Trong bối cảnh này, giới lãnh đạo tham dự hội nghị cấp cao APEC 2016 đã kêu gọi Mỹ và các quốc gia khác không từ bỏ những thỏa thuận thương mại toàn cầu. Trấn an các nhà lãnh đạo về tương lai của thương mại tự do, Tổng thống Obama nói: “Chúng ta có một chương trình nghị sự bận rộn tại APEC, nhưng đây luôn là dịp rất hữu ích để hội họp và cân nhắc làm thế nào để có thể bảo đảm rằng chúng ta đang tạo ra thêm nhiều việc làm, nhiều cơ hội và nhiều sự thịnh vượng hơn cho tất cả các nền kinh tế thành viên”.

Nhiều người nhìn nhận APEC 2016 là nơi ông Obama đang nỗ lực bảo vệ các di sản về thương mại tự do và an ninh của mình, trước khi phải chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm có rất nhiều khác biệt là tỷ phú Donald Trump.

Hội nghị APEC lần thứ 24 cũng đã tiến hành phiên họp về việc chuẩn bị cho Năm APEC 2017 tại Việt Nam. Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017,  Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh được mời phát biểu chính tại phiên họp.

Khẳng định Việt Nam đã sẵn sàng cho các sự kiện của APEC trong năm 2017, Phó Thủ tướng nhấn mạnh chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” mà Việt Nam đề xuất cho Năm APEC 2017 là xuất phát từ quan tâm chung của APEC cần thêm “động lực mới” để thúc đẩy hội nhập, liên kết trong bối cảnh mới, vì duy trì hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng ở khu vực.

Theo Minh Trang, thoibaonganhang.vn

About vgta

Check Also

OPEC ở trong thế “gọng kìm”?

Sản lượng dầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hiện đã ...

Quan hệ Nga – Mỹ bất yên tác động đến kinh tế

Tổng thống Mỹ (Donald Trump) hôm thứ Tư (2/8) đã phải miễn cưỡng ký ban ...

Trung Quốc và các nước BRICS cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ

Trung Quốc và các nước BRICS đã cam kết chống lại chủ nghĩa bảo hộ ...

Trả lời