Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), mới diễn ra tại Bonn ở miền Tây nước Đức, vừa ra tuyên bố chung ủng hộ cơ chế hợp tác đa phương giải quyết mọi thách thức toàn cầu, nhằm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tiến tới mục tiêu góp phần định hình một thế giới kết nối.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động phức tạp, giới quan sát đánh giá những chính sách mới của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các quyết định của các nhà lãnh đạo thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7 sắp tới ở Hamburg, Đức.
![]() |
Các ngoại trưởng tham gia Hội nghị tại thành phố Bonn, Đức |
Thế thời diễn biến phức tạp
Kể từ Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra vào tháng 9/2016 ở Trung Quốc, thế giới chứng kiến nhiều biến đổi khó lường, nền kinh tế thế giới cũng vì thế tiếp tục đối mặt với các thách thức cả mới và cũ, khiến thương mại và đầu tư toàn cầu gặp nhiều khó khăn, trong khi G20 vẫn trong giai đoạn định hình hướng phát triển sau khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11 năm ngoái với việc một nhân vật phản đối quá trình toàn cầu hóa và chủ trương xem xét lại các hiệp định thương mại tự do đa phương lên nắm quyền đã “phủ bóng đen” lên hệ thống kinh tế-tài chính thế giới.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay sau khi nhậm chức đã quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) phần nào đã tạo thêm những thách thức mới cho hệ thống thương mại toàn cầu.
Bên cạnh đó, chủ nghĩa dân túy rộ lên tại nhiều nước, nhất là những nước đang chuẩn bị bước vào các cuộc bầu cử quan trọng ở châu Âu, cũng khiến làn sóng phản đối quá trình toàn cầu hóa lan rộng, đồng thời khiến nhiều quốc gia quay sang những biện pháp bảo hộ thương mại, vốn bị coi là rào cản đối với động lực tăng trưởng.
Việc nước Anh lựa chọn một kịch bản “Brexit cứng”, rời khỏi khu vực tự do thương mại của Liên minh châu Âu (EU) và giảm quan hệ xuống chỉ còn ở mức các thỏa thuận thương mại đơn thuần, được dự báo sẽ gây thiệt hại đáng kể cho cả nước Anh lẫn EU, hai thành viên chủ chốt của G20. Ước tính, Brexit sẽ khiến nền kinh tế Anh mất khoảng 81 tỷ USD mỗi năm, trong khi các công ty của EU thiệt hại nhiều hơn các công ty Anh 9,7 tỷ USD mỗi năm.
Kinh tế thế giới năm 2017 có thể tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hay sự biến động của các thị trường tài chính sau sự kiện Brexit sẽ làm xáo trộn chính sách tiền tệ và tỷ giá của nhiều nước trên thế giới.
Bên cạnh đó, nợ công tăng cao ở một số quốc gia tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng nợ, bất ổn chính trị hay các cuộc xung đột tại Trung Đông và Bắc Phi kéo dài khiến hàng triệu người phải rời bỏ đất nước, gây ra cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ nhất tại châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới thứ II, sẽ kéo theo những hệ quả tiêu cực tới quá trình toàn cầu hóa, đầu tư và thương mại. Các chuyên gia đánh giá kinh tế thế giới năm 2017 dù phục hồi khả quan hơn năm ngoái, ước đạt 3,4%, nhưng sự phục hồi còn chậm và không đồng đều ở các lĩnh vực kinh tế.
Hướng đi của chính quyền Trump
Chính sách đối ngoại cũng như hướng giải quyết các vấn đề toàn cầu của chính quyền Trump là một trong những tâm điểm của Hội nghị Ngoại trưởng G20 vừa bế mạc ở Bonn sau hai ngày nhóm họp 16 và 17/2. Giới quan sát đặc biệt quan tâm đến tương lai của Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu sau khi chính quyền tân Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo nước này có thể sẵn sàng không tham gia vào việc chống biến đổi khí hậu và rút khỏi một trong những hiệp định quốc tế quan trọng nhất thế giới trong 25 năm qua này.
Theo trang climatechangenews.com, Mỹ từ lâu đã tự coi mình là một cường quốc – một quốc gia với sức mạnh kinh tế, quân sự, và ngoại giao luôn đóng vai trò quan trọng trong việc đương đầu với những thách thức toàn cầu. Tuy nhiên, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử tổng thống rằng ông sẽ “xóa bỏ” Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.
Gần đây hơn, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley cũng đã có những phát ngôn cực kỳ thận trọng và lấp lửng trong suốt phiên điều trần của họ về việc liệu họ có ủng hộ Mỹ tiếp tục tham gia hiệp định đó hay không.
Dù cho các nước khác vẫn quyết tâm thực hiện Hiệp định Paris, sự rút lui của Mỹ – quốc gia có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ hai trên thế giới – sẽ làm “xói mòn” hiệu quả của hiệp định này. Các nhà lãnh đạo thế giới có thể ngăn cản kết quả này nếu họ mạnh mẽ truyền đạt đến Chính quyền Trump rằng việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris có thể biến Mỹ thành một đối tác không đáng tin cậy, đồng thời làm tổn hại nghiêm trọng đến các ưu tiên chính sách đối ngoại của Mỹ.
Các cuộc hội đàm của nhóm G20 sẽ tạo ra những cơ hội tốt nhất để các nước cùng “ép buộc” Mỹ tiếp tục ở lại Hiệp định Paris. Họ có thể truyền đạt đến chính quyền mới của Mỹ rằng hành động chống biến đổi khí hậu nằm trong những lợi ích kinh tế và an ninh của tất cả các quốc gia và do đó các nước có thể tìm thấy nhiều cơ hội kinh tế quan trọng khi mà toàn cầu hướng tới một loại năng lượng không gây ô nhiễm.
G20 có vai trò ngày càng lớn trong nỗ lực chung giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, tình trạng khan hiếm nước, di cư quốc tế, lao động-việc làm, bình đẳng giới… mà hợp tác đa phương là giải pháp duy nhất cho những thách thức nói trên.
Ba mục tiêu bao trùm Hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến diễn ra vào tháng 7/2017 là thúc đẩy ổn định kinh tế; làm cho nền kinh tế toàn cầu có thể tồn tại trong tương lai, bao gồm việc thông qua những mục tiêu để phát triển cũng như mục tiêu về khí hậu; và thiết lập nhóm G20 như một “cộng đồng có trách nhiệm”.
Với quy mô chiếm 2/3 dân số thế giới, 85% GDP toàn cầu và 80% thương mại quốc tế, G20 đã cho thấy khả năng và tầm ảnh hưởng lớn trong việc hoạch định và dẫn dắt nền kinh tế thế giới. Cùng với sự kết nối và phối hợp với các thể chế quốc tế khác, G20 đang tiếp tục đóng góp tích cực vào việc tái lập và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy kinh tế thế giới vượt qua khủng hoảng.
Theo ML, thoibaonganhang.vn tổng hợp