Tin mới nhất
Home / Kinh tế xã hội / kinh tế quốc tế / Kích hoạt Brexit: Những cản trở phía trước

Kích hoạt Brexit: Những cản trở phía trước

Giới phân tích cho rằng, tiến trình “ly hôn” EU của Anh sẽ không dễ dàng, bởi nhiều vướng mắc về phân chia tài sản, tài chính, tương lai thương mại, quyền tự do đi lại của công dân, vai trò của Anh đối với an ninh chung châu Âu…

Ngày 29/3/2017, Thủ tướng Anh Theresa May đã chính thức kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon, chính thức khởi động tiến trình đàm phán kéo dài 2 năm để ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2019.

Thủ tướng Anh Theresa May ký thư Brexit gửi EU

50 tỷ Bảng cho “Hóa đơn Brexit”

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, tiến trình “ly hôn” EU của Anh sẽ không dễ dàng, bởi nhiều vướng mắc về phân chia tài sản, tài chính, tương lai thương mại, quyền tự do đi lại của công dân, vai trò của Anh đối với an ninh chung châu Âu… Ông Michel Barnier, người đứng đầu nhóm thương thuyết của EU về Brexit đã cảnh báo rằng, nước Anh sẽ phải đối phó với tình trạng thiếu hụt nhiên liệu hạt nhân, sự chậm trễ trong việc vận chuyển hàng hoá và vô số vấn đề khác nếu không thể đạt được một thỏa thuận về Brexit.

Một trong số những thách thức chính khiến vụ “ly hôn” này có thể sẽ không diễn ra dễ dàng và thân thiện như hai bên vẫn khẳng định qua các ngôn từ mang tính ngoại giao là các chi phí ngân sách mà Anh sẽ phải trả đóng góp cho EU. Phía EU hy vọng Anh sẽ tôn trọng các cam kết chi tiêu chung hiện tại ngay cả khi Anh đang chuẩn bị cho sự ra đi vào năm 2019. Các thành viên EU (trong đó có Anh) đã cam kết đóng góp ngân sách để chi trả cho các dự án CSHT, các chương trình xã hội, nghiên cứu khoa học, tiền lương và lương hưu cho các quan chức EU. Chương trình ngân sách này sẽ kéo dài đến năm 2020. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết gần đây rằng, Anh sẽ phải trả khoảng 50 tỷ Bảng (63 tỷ USD) cho việc rời khỏi EU.

Phía Anh khẳng định, họ sẽ tôn trọng những cam kết của mình nhưng đang có những tranh cãi gay gắt về quy mô của “hóa đơn ly hôn” này. Trận chiến về mức tiền phải trả của Anh được coi là một trong những vấn đề quan trọng nhất mà các nhà đàm phán hai bên sẽ phải giải quyết, và nếu không thống nhất được, nó có thể sẽ khiến thảo luận về các nội dung khác bị đình trệ.

Về quyền của người di cư, các quy định hiện tại của EU cho phép người Anh sống và làm việc tại bất kỳ quốc gia thành viên nào của EU. Ngược lại, công dân EU cũng có thể sống và làm việc tương tự ở Anh. Nhưng quy định này dường như sẽ chấm dứt khi Anh rời EU. Như vậy sẽ có hơn 4 triệu công dân EU chịu ảnh hưởng trực tiếp. Trong đó, khoảng 3 triệu người từ các nước EU sang sống ở Anh, và 1,2 triệu người Anh sang sống và làm việc ở các nước EU khác. Phía EU đang kỳ vọng một kịch bản hợp lý nhất là vẫn giữ nguyên quy định này, nhưng phía Anh lại không muốn điều đó. Và vì vậy, không có gì đảm bảo quy định này sẽ tiếp tục hiệu lực khi Anh rời đi.

Trong khi đó về thương mại, tư cách thành viên EU cho phép Anh xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ trên toàn Khối. Nhưng Brexit đặt ra nguy cơ rất lớn cho việc Anh dừng lại các hoạt động xuất khẩu này. Đây không hề là vấn đề nhỏ với Anh. Bởi EU hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Anh, là thị trường cho 44% tổng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Anh và đồng thời là khu vực đáp ứng 53% lượng hàng nhập khẩu của quốc gia này. Chính vì tầm quan trọng của đối tác xuất – nhập khẩu vô cùng lớn của EU đó nên Thủ tướng Anh Theresa May cho biết, bà muốn cùng lúc hai bên sẽ đàm phán về việc Anh rút đi và một FTA với EU.

Một tỷ lệ lớn người dân Anh ủng hộ thương mại tự do với EU trong khi thắt chặt hơn với vấn đề nhập cư

Còn lâu mới có FTA hai bên

Tuy nhiên, một FTA như vậy có thể phải mất cả thập kỷ nữa mới thành hiện thực. Các quan chức EU nói rằng, họ sẽ không thảo luận về mối quan hệ thương mại trong tương lai với Anh cho đến khi các vấn đề khác liên quan đến Brexit đã được giải quyết.

Bà Theresa May xem ra đã bị mắc kẹt với khẩu súng của chính mình, khi trước đó từng cảnh báo các nhà lãnh đạo châu Âu rằng, Anh thà rời khỏi EU mà không có thỏa thuận nào còn hơn là một “thỏa thuận tồi tệ”. Việc rời khỏi Khối sẽ buộc Anh phải hoạt động theo các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), có nghĩa là Anh sẽ vấp phải những rào cản thương mại và quản lý mới.

Nhưng dù có đạt được thỏa thuận nào hay không thì một điều chắc chắn là bà May sẽ cố gắng để đảm bảo thu được những kết quả tốt nhất có thể cho một số ngành công nghiệp chủ chốt của Anh, trong đó có ngành ô tô, hàng không và dịch vụ tài chính.

Đơn cử, ngành tài chính và dịch vụ liên quan hiện chiếm 12% GDP của Anh. London cũng đang giữ vị trí số 1 thế giới về kinh doanh ngoại tệ, đồng thời là trung tâm xử lý khoảng 75% các sản phẩm phái sinh lãi suất bằng đồng Euro. Tuy nhiên trong tương lai, các giao dịch này sẽ được chuyển về thực hiện trong EU khi không còn Anh là thành viên.

Bởi vậy, nếu Anh đạt được một thỏa thuận với EU trong việc tiếp tục để ngành ngân hàng của mình tiếp cận được với các thị trường EU thì đây có thể xem là một thắng lợi lớn với Anh. Trong trường hợp ngược lại, London có thể mất đi hàng ngàn việc làm được trả lương cao và hàng tỷ USD trong cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng cho khu vực.

Ngoài ra, vấn đề biên giới cũng khiến Anh đau đầu hiện nay. Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland gồm bốn quốc gia: Anh, Scotland, Xứ Wales và Bắc Ireland. Trong đó, Bắc Ireland có biên giới với Cộng hòa Ireland – là một thành viên của EU. Các cư dân hiện đang được phép di chuyển tự do qua biên giới giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland. Trong cuộc bỏ phiếu về Brexit năm 2016, trong khi Anh và Xứ Wales bỏ phiếu rời EU thì Scotland và Bắc Ireland muốn ở lại EU. Nếu tới đây Scotland và Bắc Ireland bỏ phiếu ở lại EU thì tại Vương quốc Anh lúc này sẽ có hai đường biên giới với EU.

Năm 2014, Scotland đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý độc lập về việc tách khỏi Anh nhưng khi đó vẫn có 55% cử tri lựa chọn vẫn là một phần của Anh. Nhưng cùng với tiến trình đàm phán Brexit được khởi động, có thể quan điểm của người dân Scotland sẽ thay đổi. Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon mới đây cho biết, vùng lãnh thổ này sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý thứ 2 về khả năng rời Vương quốc Anh vào mùa thu năm 2018. Như vậy, việc Anh rời EU đang đặt ra những thách thức mới trong chính nội bộ Vương quốc Anh mà kết cục có thể là một “đường biên cứng” sẽ hình thành, nước Anh sẽ bị chia nhỏ hơn.

Theo Hồng Quân, Thoibaonganhang.vn

About vgta

Check Also

Nỗi lo “chưa giàu đã già” của các nền kinh tế mới nổi châu Á

Theo CNBC, giới chuyên gia kinh tế nhận định trong vài thập kỷ tới, dân ...

WB, IMF “phát sốt” vì chính sách của Trump

Kỳ họp mùa xuân khai mạc vào ngày 20/4 tại Washington, Mỹ của Ngân hàng ...

Bất ổn đe dọa kinh tế Đông Á

Tình hình thế giới và khu vực Đông Bắc Á diễn biến phức tạp thời ...

Trả lời