Mỗi một vị chủ nhân mới của Nhà Trắng đều có những cách nhìn mới về thế giới, kéo theo đó là những điều chỉnh về thế giới quan của các đồng minh, những người bạn cũng như các đối thủ…
Có thể thấy từ trước đến nay, mọi thứ vẫn khá đơn giản khi các vị tổng thống Hoa Kỳ thường chỉ đứng trước hai lựa chọn, hoặc sẽ hướng đến việc mở rộng các giá trị dân chủ, hoặc gia tăng ảnh hưởng trên thế giới thông qua việc tham gia và mở rộng các cuộc chiến mang tính chiến lược. Tuy nhiên, đối với vị tân tổng thống mới của Mỹ – ông Donald Trump, mọi thứ dường như không hoàn toàn đơn giản như vậy.
Kinh tế châu Á tăng trưởng tốt
Đối với khu vực châu Á, chiến lược đối ngoại của ông Trump vừa chứa những yếu tố dễ đoán định cũng lại vừa khó đoán. Nó dễ đoán định vì ông đã nhiều lần lặp đi lặp lại câu hỏi về vai trò truyền thống của Mỹ trong việc bảo đảm an ninh khu vực.
Và cũng không dễ đoán trước vì không ai biết những khía cạnh nào của vai trò đó có thể bị bỏ rơi hoặc thương lượng lại. Mỹ liệu sẽ tiếp tục thực hiện vai trò bảo hộ hạt nhân ở Đông Bắc Á, hay vẫn tiến hành hỗ trợ cho tự do hàng hải ở Biển Đông, hay sẽ hiện diện quân sự tiếp tục ở Afghanistan? Tất cả những câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ và vẫn còn phụ thuộc vào định hướng chính sách của chính quyền tân tổng thống.
Trong hoàn cảnh này, giới chuyên gia đưa ra hai kịch bản khác nhau đối với châu Á. Trong một kịch bản, nếu các thỏa thuận giữa Nhà Trắng và Trung Quốc bị phá vỡ, căng thẳng kinh tế và chính trị giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ leo thang.
Điều này một lần nữa tái khẳng định sức mạnh của Hoa Kỳ ở châu Á và kiềm chế bớt ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực – một động thái sẽ khiến nhiều quốc gia châu Á khác cảm thấy hài lòng.
Ngược lại, trong một kịch bản khác nếu ông Trump quyết định rằng chính sách châu Á không nằm trong lợi ích của Mỹ và giảm dần sự hiện diện tại khu vực, điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ ngày càng củng cố vị thế và sức mạnh nổi trội trong toàn khu vực.
Tuy nhiên đây không phải là hai lựa chọn duy nhất và châu Á cũng không nên tự giới hạn mình trong những lựa chọn này. Thủ tướng Đức mới đây cho biết, trong thời đại của vị tân tổng thống mới Hoa Kỳ, người châu Âu có số phận ở trong tay và sẽ tự quyết định điều này.
Điều này cũng đúng với khu vực châu Á. Với việc cùng dựa trên các lợi ích chung và giá trị chung, nếu các quốc gia trong khu vực muốn duy trì sự thịnh vượng và tự do, việc bắt tay cùng hợp tác phát triển, giảm dần sự phụ thuộc vào các cường quốc trên thế giới là thực sự cần thiết.
Tại châu Á, tăng trưởng và ổn định kinh tế phụ thuộc nhiều vào hoạt động thương mại. Các quốc gia từ đang phát triển như Ấn Độ, Indonesia… đến các nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc đòi hỏi thiết lập một cơ chế an ninh có sự tôn trọng chủ quyền và không can thiệp vào các vấn đề thương mại, cũng như cần gia tăng tính kết nối và củng cố cơ sở hạ tầng hơn để có thể khơi thông dòng chảy thương mại trong toàn khu vực.
Để làm được như vậy, hầu hết các cường quốc châu Á sẽ phải bước lên và gánh vác nhiều trách nhiệm hơn. Nhật Bản sẽ phải đóng vai trò quan trọng hơn trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu vực cũng như phát đi tiếng nói mạnh mẽ hơn trong hoạt động thương mại.
Sau khi Mỹ rời khỏi TPP như tuyên bố đưa ra hôm 20/1 vừa qua, nền kinh tế lớn thứ hai trong khối là Nhật Bản có thể đi tiên phong trong việc dẫn dắt TPP, giữ cho tinh thần hiệp định tiếp tục giữ vững, mở đương cho việc Mỹ tái gia nhập trong tương lai.
Như vậy, việc Mỹ rút khỏi TPP thực tế cũng tạo nên một cơ hội để Nhật Bản nắm vai trò chủ đạo dẫn dắt tại châu Á, trong đó thúc đẩy TPP với 11 thành viên còn lại chính là bước đi đầu tiên. Bằng cách thắt chặt mối quan hệ giữa các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương, hiệp định TPP nếu hồi sinh trong tương lai sẽ tác động một cách tích cực tới sự ổn định kinh tế, chính trị tại khu vực trọng yếu và thường xuyên có biến động này.
Ấn Độ cũng vậy, hiện cũng đang thể hiện nhiều năng lượng và quyết tâm đổi mới. Phát biểu tại New Delhi vào tuần trước, các quan chức Ấn Độ đang cam kết tham gia vào một quá trình phát triển châu Á minh bạch, cân bằng và toàn diện. Thủ tướng Ấn Độ cho biết Ấn Độ Dương nên được khống chế bởi những người sống trong khu vực này, điều đó đồng nghĩa với việc các quốc gia trong khu vực châu Á cần nâng cao tầm ảnh hưởng trong khu vực.
Về phía Trung Quốc, quốc gia này tiếp tục củng cố sức mạnh tại khu vực. Giới doanh nhân ASEAN, nhất là ở các nước Philippines và Malaysia, đang tỏ ra hài lòng trước những bước đi mới đây của lãnh đạo các nước này nhằm xây dựng quan hệ mật thiết hơn với Trung Quốc, nhất là về kinh tế. Từ nhiều năm qua, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại hàng đầu của ASEAN.
Hiện nay, dù cho chỉ số đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào ASEAN còn kém Mỹ, nhưng nếu Mỹ lựa chuyển hướng tập trung đầu tư vào trong nước thì chẳng mấy chốc Trung Quốc sẽ đuổi kịp. Ngoài ra, khu vực Đông Nam Á cũng còn nhiều cơ hội kinh tế đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay Ấn Độ… nên nếu nền kinh tế số một thế giới “lơ là” thì vai trò của Mỹ tại khu vực châu Á sẽ dần nhạt nhòa.
Theo Minh Đức, thoibaonganhang.vn