Tin mới nhất
Home / Kinh tế xã hội / kinh tế quốc tế / Việt Nam và tâm thế chủ động hội nhập cao hơn

Việt Nam và tâm thế chủ động hội nhập cao hơn

Trong 6 năm qua, 12 nước TPP đã rất nỗ lực đàm phán, hoàn tất ký TPP. Nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành sắc lệnh rút khỏi TPP và cho biết sẽ trở lại thương lượng song phương với từng nước trong tham gia TPP về các điều khoản thích hợp hơn cho nước Mỹ.

Ảnh minh họa

Vậy 11 quốc gia thành viên còn lại có tiếp tục thúc đẩy TPP hay hiệp định này sẽ bị xóa sổ thực sự? Việt Nam sẽ chịu tác động ra sao?

Quên TPP đi nhưng hãy luôn nhớ nội dung của nó

Theo nhận định trong một báo cáo gần đây của Khối Nghiên cứu Kinh tế ngân hàng HSBC, việc Mỹ rút khỏi TPP có thể xem là đòn chí mạng cho sự tồn tại của hiệp định này. Dù 11 quốc gia thành viên còn lại vẫn có thể tiếp tục tham gia TPP một khi họ hoàn tất việc sửa đổi hợp lệ các điều khoản phê chuẩn của hiệp định khi không còn có sự tham gia của Mỹ nhưng trong số 11 quốc gia này, có những quốc gia không đồng tình với phương án tiếp tục tham gia TPP.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, khả năng 11 nước đàm phán lại là rất khó và để thúc đẩy TPP đòi hỏi các nước phải quyết tâm rất cao và vai trò của Nhật Bản là rất quan trọng.

Nhưng khi Australia đưa ra đề xuất đầu tiên khuyến khích các quốc gia còn lại tiếp tục TPP thì Nhật Bản – nước quan trọng thứ hai sau Mỹ trong TPP đã ngay lập tức phản đối. Lý do quan trọng khiến kịch bản TPP hồi sinh không có Mỹ sẽ khó thành hiện thực là vì khi thị trường rộng lớn nhất trong TPP là Mỹ không còn thì thị trường của khối sẽ bị sụt giảm mất khoảng 60% nên các quốc gia còn lại khó có thể chấp nhận với những nhượng bộ mà họ đã nhất trí trước đó trong thương thuyết TPP.

Nhiều dự báo rằng bên cạnh xu hướng thúc đẩy các FTA song phương, các hiệp định thương mại khu vực với các chủ thể lớn khác sẽ tranh thủ thế chỗ tầm ảnh hưởng của Mỹ cũng sẽ được đẩy mạnh. Tại châu Á, một hiệp định như vậy được các chuyên gia nói nhiều tới gần đây là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với sự tham gia của các đối tác rất lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ.

Theo Khối Nghiên cứu Kinh tế của HSBC, nội dung mà các bên đã đàm phán và thống nhất được trong TPP có thể sẽ được tham khảo và sử dụng trong các cuộc đàm phán khu vực hoặc song phương mới hoặc đang diễn ra. RCEP có khả năng sẽ “học hỏi” các điều khoản của TPP nhằm tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ (như sử dụng hướng tiếp cận theo kiểu TPP qua đó sẽ giúp đẩy mạnh bảo vệ bí mật giao thương và thông tin bảo mật kinh doanh).

“Các nhà thương thuyết nhiều khả năng sẽ cân nhắc các điều khoản của TPP nhằm cải thiện sự thống nhất quy định, giải quyết tranh chấp khối đầu tư nhà nước, sự linh hoạt trong việc xử lý quyền sở hữu trí tuệ và nâng cấp bảo vệ tiêu chuẩn lao động hay vấn đề môi trường” – các chuyên gia HSBC nhận định.

Tác động và đối sách của Việt Nam

Theo TS. Lực, diễn biến tiếp theo dù không có TPP nữa hay 11 nước trong TPP phải đàm phán lại đều sẽ tác động đến thương mại giữa Việt Nam với Mỹ. Vì khi đó, hàng hóa của Việt Nam không còn được hưởng thuế 0% tại thị trường Mỹ như nếu có TPP với Mỹ tham gia.

Nhưng Việt Nam và Mỹ xuất – nhập khẩu những mặt hàng khá mang tính bổ sung cho nhau nên nhu cầu vẫn có và vị trí đối tác thương mại lớn của Mỹ với xuất khẩu của Việt Nam vẫn được duy trì, chỉ là không tăng trưởng mạnh như kỳ vọng có TPP.

Theo một số chuyên gia, với việc thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ thương mại của ông Trump, nếu Mỹ đánh thuế vào hàng hóa từ Trung Quốc thì một số ngành hàng xuất khẩu của Trung Quốc bị ảnh hưởng nhiều nhất gồm dệt may, giày dép, điện thoại và máy tính, máy móc điện tử và đồ chơi, da giày… Thị phần trống sinh ra bởi tác động này sẽ được lấp đầy bởi hàng hóa từ các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Trong khi đó những thay đổi trong điều hành chính sách kinh tế của ông Trump  theo hướng bảo hộ khuyến khích DN Mỹ quay về nội địa sẽ tác động nhất định đến đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam, đặc biệt dòng vốn từ Mỹ trong tương lai. Cộng với tác động nữa là khả năng Fed tăng lãi suất nhanh hơn thì đồng USD cũng nhiều khả năng tiếp tục tăng giá có thể làm cho việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư khỏi các thị trường mới nổi mạnh hơn, trong đó có Việt Nam.

Nhưng nhiều nhận định cho rằng trong ngắn hạn dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực lớn từ chính sách mới của Trump do dòng vốn chủ yếu vào kênh sản xuất và không chỉ vì trông chờ vào TPP mà còn do các yếu tố lợi thế khác như lao động giá rẻ, cơ cấu dân số trẻ, mức tiêu dùng người dân tăng nhanh và điều kiện vĩ mô và chính trị ổn định.

Hiện Hàn Quốc và Nhật Bản là hai nhà đầu tư FDI chính vào thị trường Việt Nam và Việt Nam tiếp tục là ứng viên sáng giá cho việc thu hút dòng vốn FDI bị rút ròng tại Trung Quốc (mà theo một số dự báo có thể lên đến 150 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2016-2018).

Hơn nữa, thời gian qua Việt Nam đã quyết liệt cải cách thể chế, xây dựng môi trường đầu tư cạnh tranh và minh bạch, xây dựng cơ chế phân bổ hiệu quả các nguồn lực giúp Việt Nam có tâm thế chủ động hơn trong hội nhập sâu vào các liên kết kinh tế trong khu vực và toàn cầu dù TTP có còn diễn ra hay không.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình: Việt Nam coi việc tham gia TPP và các FTA khác là một trong các bước triển khai chủ trương chủ động và tích cực hội nhập kinh tế sâu rộng và toàn diện, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế kinh tế thị trường, tạo động lực mới để phát triển, đồng thời đóng góp vào xu thế hội nhập, liên kết kinh tế khu vực.

Việt Nam sẽ tiếp tục quá trình đổi mới, đẩy mạnh chuẩn bị trong nước, để bảo đảm thực thi có hiệu quả các cam kết của các FTA mà Việt Nam đã và sẽ tham gia.

Theo Đỗ Lê, Thoibaonganhang.vn

About vgta

Check Also

Nỗi lo “chưa giàu đã già” của các nền kinh tế mới nổi châu Á

Theo CNBC, giới chuyên gia kinh tế nhận định trong vài thập kỷ tới, dân ...

WB, IMF “phát sốt” vì chính sách của Trump

Kỳ họp mùa xuân khai mạc vào ngày 20/4 tại Washington, Mỹ của Ngân hàng ...

Bất ổn đe dọa kinh tế Đông Á

Tình hình thế giới và khu vực Đông Bắc Á diễn biến phức tạp thời ...

Trả lời