Tin mới nhất
Home / Thị trường vàng / Văn phòng Hiệp hội xin gửi tới quý độc giả bài viết về diễn biến giá vàng trong nước và quốc tế tháng 8 năm 2021 và dự báo xu hướng giá vàng quốc tế trong năm 2021: Rời xa mốc kỷ lục 2.000 USD/oz thiết lập cách đây 1 năm, giá vàng có còn “cửa” tăng?

Văn phòng Hiệp hội xin gửi tới quý độc giả bài viết về diễn biến giá vàng trong nước và quốc tế tháng 8 năm 2021 và dự báo xu hướng giá vàng quốc tế trong năm 2021: Rời xa mốc kỷ lục 2.000 USD/oz thiết lập cách đây 1 năm, giá vàng có còn “cửa” tăng?

Cách đây gần tròn 1 năm, giá vàng thế giới lập đỉnh cao nhất mọi thời đại. Hiện nay, vàng có vẻ như đang suy giảm sức hấp dẫn đối với giới đầu tư toàn cầu.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng “cửa” tăng của giá vàng vẫn còn rất rộng mở.

Ngày 6/8/2020, giá vàng giao sau tại thị trường New York đóng cửa ở mức 2.069,4 USD/oz, mức chốt phiên cao chưa từng thấy trong lịch sử. Tiếp đó, vào ngày 7/8/2020, giá vàng lập kỷ lục nội phiên ở mức 2.089,2 USD/oz.

Ông William Cai, nhà đồng sáng lập kiêm quản lý danh mục thuộc Wilshire Phoenix, nói rằng những kỷ lục đó của giá vàng thế giới được thiết lập do nhu cầu phòng ngừa rủi ro của giới đầu tư khi Covid-19 mới trở thành đại dịch, tiếp đó do phản ứng của thị trường với chính sách tài khoá và tiền tệ siêu lỏng lẻo mà các quốc gia triển khai để ứng phó với Covid.

Nhằm giúp nền kinh tế vượt qua cú sốc mà Covid-19 gây ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất về gần 0 và bơm 120 tỷ USD mỗi tháng để mua tài sản. Cùng với đó, Chính phủ Mỹ tung ra những gói kích cầu trị giá hàng nghìn tỷ USD. Tất cả những biện pháp này đều có tác dụng kích thích sự tăng giá của vàng.

Tuy nhiên, kỷ lục giá trên thị trường vàng toàn cầu không duy trì lâu. Giá kim vàng đến nay đã giảm khoảng 12% từ mức kỷ lục và có thể có năm giảm đầu tiên sau 3 năm tăng liên tiếp.

Theo ông Cai, việc vàng giảm giá từ mức kỷ lục là một “sự điều chỉnh lành mạnh”, và thị trường đang suy ngẫm về tác động của chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo, cũng như những điều chỉnh chính sách có thể sắp diễn ra. Các chính sách của Fed đã làm giảm bớt sự bấp bênh trên thị trường tài chính, theo đó làm suy yếu nhu cầu nắm giữ vàng để phòng ngừa rủi ro.

Cùng quan điểm trên, nhà môi giới hàng hoá giao sau Drew Rathgeber thuộc AIO Capital cho rằng chính sách siêu nới lỏng của Fed góp phần tạo ra một “bong bóng kinh tế” để bù đắp lại ảnh hưởng kinh tế tiêu cực của Covid-19.

Vào ngày 8/3/2021, giá vàng giao sau giảm còn 1.678 USD/oz, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020, do tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đồng loạt tăng. Thời gian gần đây, giá vàng hồi phục và giằng co quanh mốc 1.800 USD/oz.

Diễn biến giá vàng thế giới 5 năm qua- Nguồn: Trading View

Dù vậy, ông Cai nhận định lạm phát cao vẫn sẽ là một nhân tố quan trọng tiếp tục hỗ trợ giá vàng trong trung hạn.

Ông Rathgeber cũng không cho rằng vàng đã mất sức hấp dẫn. “Một môi trường thuận lợi đang hình thành để đẩy giá vàng lên cao hơn nhiều”. Lạm phát “sẽ còn ở mức cao trong một thời gian”, một phần do chính sách tiền tệ nới lỏng của Fed và việc Fed không nhấn mạnh vấn đề “lạm phát do chi phí đẩy.

Đến nay, Fed vẫn nói lạm phát tăng cao ở Mỹ trong năm nay là “vấn đề tạm thời”. Hôm 28/7, Fed tái khẳng định quan điểm lạm phát cao sẽ không kéo dài. Fed nói nền kinh tế Mỹ đã có bước tiến, nhưng chưa đủ để Fed bắt đầu cắt giảm chương trình mua tài sản.

Điều này có nghĩa là vàng sẽ ở trong môi trường vừa có lạm phát cao, vừa có chính sách tiền tệ nới lỏng – một môi trường không thể tốt hơn để tăng giá.

Theo ông Matt Psarras, nếu lạm phát không “tạm thời” như Fed nói mà kéo dài, một vòng xoáy tăng giá có thể xuất hiện và thậm chí trở thành một “cuộc tấn công” nhằm vào người tiêu dùng” vì tăng trưởng tiền lương ở Mỹ đang thấp hơn rất nhiều so với tốc độ tăng của chi phí sinh hoạt.

Một khi tiền mất giá, vàng sẽ tăng giá – ông Psarras nói. Và nếu vấn đề nợ nần diễn biến xấu, giá vàng có thể tăng vọt vì giới đầu tư sẽ ồ ạt gom mua để phòng rủi ro.

Ông Psarras nhận định rằng mức giá 1.800 USD/oz hiện nay của vàng là rẻ, đồng thời nhấn mạnh vai trò của vàng trong việc “kiềm chế cảm xúc của nhà đầu tư trong thời điểm khủng hoảng”. “Vàng không thể giảm giá về 0, trong khi hầu hết mọi thứ đều có thể”, ông Psarras nói.

Nhận định về triển vọng giá vàng thời gian tới, ông Psarras lưu ý các yếu tố cần theo dõi bao gồm lãi suất, nợ, và lạm phát.

Nếu lãi suất tăng, lạm phát giữ ở mức bình thường, và mức nợ bền vững hơn, giá vàng sẽ suy yếu vì nhu cầu phòng ngừa rủi ro giảm. Mặt khác, nếu lãi suất giữ ở mức thấp hoặc giảm sâu hơn, hoặc lạm phát tăng và xảy ra tình trạng lạm phát cao trong khi tăng trưởng kinh tế trì trệ, giá vàng sẽ tăng mạnh./.

About vgta

Check Also

GIÁ VÀNG HÔM NAY 13/05/2024: VÀNG THẾ GIỚI BẬT TĂNG, VÀNG TRONG NƯỚC QUAY ĐẦU GIẢM MẠNH

Giá vàng hôm nay (13-5): Sau chuỗi ngày tăng sốc, giá vàng trong nước tiếp ...

GIÁ VÀNG HÔM NAY NGÀY 10/05/2024: TĂNG SỐC

Giá vàng hôm nay (10-5): Giá vàng trong nước tăng sốc với mức tăng cao ...

GIÁ VÀNG HÔM NAY NGÀY 09/05/2024: HẠ NHIỆT SAU CHUỖI NGÀY TĂNG

Giá vàng hôm nay (9-5): Tương tự diễn biến trên thị trường vàng thế giới, ...